Tải App trên Android

Bộ Y tế yêu cầu rà soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
30/08/2023 08:53 AM

Tôi muốn biết Bộ Y tế đã đưa ra các yêu cầu gì trong việc rà soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế? – Hoàng Khang (An Giang)

Bộ Y tế yêu cầu rà soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế

Bộ Y tế yêu cầu rà soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 29/8/2023, Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn 1135/KCB-QLCL&CĐT về việc xử lý thông tin báo chí, rà soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế.

Bộ Y tế yêu cầu rà soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế

Cụ thể trong thời gian qua, các cơ quan truyền thông phản ánh một số vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện K…về tinh thần, thái độ giao tiếp, y đức của một vài nhân viên y tế khiến người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành y tế.

Do đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung sau:

- Rà soát, chấn chỉnh, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; tăng cường tập huấn các kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế. Xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.

- Quán triệt phương châm “Lấy người bệnh là trung tâm”, đẩy mạnh triển khai hoạt động bảo đảm an toàn người bệnh với mục tiêu “Y tế trước tiên là không gây hại cho người bệnh”, hưởng ứng chủ đề Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023 “Lắng nghe tiếng nói, tâm tư người bệnh”.

Với các đơn vị báo chí, truyền thông: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trân trọng sự chủ động phát hiện và phản ánh các vụ việc tiêu cực trong thời gian qua và mong muốn các các đơn vị báo chí, truyền thông tiếp tục đồng hành cùng hệ thống khám, chữa bệnh trong hành trình cải tiến chất lượng bệnh viện, không chỉ phát hiện các tiêu cực mà còn ghi nhận, tôn vinh những tấm gương tốt của các cá nhân, tập thể, góp phần nâng cao hình ảnh, chân dung người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”.

Xem chi tiết tại Công văn 1135/KCB-QLCL&CĐT ngày 29/8/2023.

Các hành vi bị cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Theo Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, cá nhân, tổ chức bị cấm thực hiện các hành vi sau đây trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh:

- Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh

- Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.

- Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.

- Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động.

- Người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sỹ đông y, y sỹ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền.

- Áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh.

- Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Người hành nghề sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh, chữa bệnh.

- Vi phạm quyền của người bệnh; không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh.

- Gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề.

- Ngăn cản người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý thực hiện chữa bệnh bắt buộc đối với người không thuộc diện chữa bệnh bắt buộc.

- Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệpLuật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

- Đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,024

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]