Bị bạo lực gia đình thì cần làm gì, báo cho ai?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
16/03/2023 16:00 PM

Tôi bị bạo hành, bạo lực gia đình thì nên làm gì, phải báo cho ai? Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình hiện nay là gì? - Như Thảo (Bắc Giang)

Bị bạo lực gia đình thì cần làm gì, báo cho ai?

Bị bạo lực gia đình thì cần làm gì, báo cho ai?

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bị bạo lực gia đình thì báo cho ai?

Hiện nay theo quy định tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, người bị bạo lực gia đình hoặc phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực.

Trừ trường hợp nhân viên y tế chăm sóc người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình (trường hợp phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất).

Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực, khi bị bạo lực gia đình hoặc phát hiện hành vi bạo lực gia đình, người dân có thể tố giác, thông báo qua các tổ chức, cá nhân sau đây:

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

- Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

- Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

- Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

- Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến địa chỉ nêu trên thực hiện theo các hình thức sau đây:

- Gọi điện, nhắn tin;

- Gửi đơn, thư;

- Trực tiếp báo tin.

2. Cung cấp thông tin về hành vi bạo lực gia đình

Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định người có âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình có quyền cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.

Việc sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình trong quá trình giải quyết vụ việc bạo lực gia đình và đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, internet phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình

Căn cứ Điều 22 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao gồm:

- Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;

- Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

- Cấm tiếp xúc;

- Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;

- Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình;

- Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình;

- Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;

- Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư;

- Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng;

- Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.

Việc áp dụng biện pháp quy định nêu trên đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,548

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn