Chính sách mới về kiểm toán, tiền tệ ngân hàng có hiệu lực từ tháng 3/2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
24/02/2023 09:45 AM

Cho tôi hỏi trong tháng 3/2023 có những chính sách nào về tiền tệ ngân hàng bắt đầu có hiệu lực? – Xuân Hưng (Trà Vinh)

Chính sách mới về kiểm toán, tiền tệ ngân hàng có hiệu lực từ tháng 3/2023

Chính sách mới về kiểm toán, tiền tệ ngân hàng có hiệu lực từ tháng 3/2023 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bổ sung căn cứ lập kế hoạch kiểm toán năm

Ngày 09/02/2023, Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-KTNN về Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, căn cứ lập kế hoạch kiểm toán năm bao gồm:

- Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước.

(So với hiện nay bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước)

- Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước; kế hoạch thực hiện chiến lược từng giai đoạn của Kiểm toán nhà nước; kế hoạch kiểm toán trung hạn (đối với kế hoạch kiểm toán năm).

- Các văn bản quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách hàng năm, trung hạn, dài hạn của Trung ương và địa phương; thực tiễn quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách trong năm và các thời kỳ trước, sau có liên quan.

- Yêu cầu thực tiễn và năng lực thực tế của Kiểm toán nhà nước.

- Các kế hoạch công tác của Kiểm toán nhà nước.

- Các văn bản yêu cầu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội và của các cơ quan chức năng có liên quan.

(So với hiện nay bổ sung ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội)

Quyết định 02/2023/QĐ-KTNN có hiệu lực từ ngày 26/3/2023 và thay thế Quyết định 03/2017/QĐ-KTNN.

2. Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ 01/3/2023

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2022 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Luật Phòng chống rửa tiền 2022 có một số điểm mới nổi bật như sau:

- Giảm 1 Chương, tăng 16 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền 2012.

- Điểm mới về đối tượng báo cáo trong phòng, chống rửa tiền.

- Bổ sung nguyên tắc có đi có lại trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

- Bổ sung đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.

- Quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng trong biện pháp phòng, chống rửa tiền.

- Bổ sung khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình.

- Sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán.

- Sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

- Bổ sung 09 dấu hiệu đáng ngờ với lĩnh vực trung gian thanh toán.

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ ngày 01/3/2023, trừ khoản 1 Điều 64 có hiệu lực thi hành từ ngày quy định khác về cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có hiệu lực.

Xem thêm: 09 điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022

3. Sửa đổi nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng

Đây là nội dung tại Thông tư 27/2022/TT-NHNN sửa đổi Thông tư quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.

Trong đó, sửa đổi nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng, đơn cử như:

- Sửa đổi trình tự tự nguyện chấm dứt hoạt động phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt tại khoản 2, 3 Điều 14 Thông tư 43/2015/TT-NHNN.

- Sửa đổi trình tự thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng tại Điều 13 Thông tư 53/2018/TT-NHNN.

- Sửa đổi trình tự tự nguyện chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng tại Điều 18 Thông tư 53/2018/TT-NHNN.

- Sửa đổi trình tự thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng phi ngân hàng tại Điều 6 Thông tư 25/2017/TT-NHNN.

- Sửa đổi trình tự thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng là hợp tác xã tại Điều 18 Thông tư 09/2018/TT-NHNN.

4. Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ ngành Ngân hàng

Đây là nội dung tại Thông tư 19/2022/TT-NHNN về việc hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Ngân hàng trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực Ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.

Theo đó, danh mục 08 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Ngân hàng như sau:

- Vị trí việc làm về hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, ngân hàng;

- Vị trí việc làm về quản lý hoạt động công nghệ ngân hàng;

- Vị trí việc làm về nghiệp vụ ngân hàng Trung ương;

- Vị trí việc làm về thanh tra, giám sát ngân hàng;

- Vị trí việc làm về kiểm soát ngân hàng;

- Vị trí việc làm về phòng, chống rửa tiền;

- Vị trí việc làm về tiền tệ, ngân hàng quốc tế;

- Vị trí việc làm về quản lý tổ chức tín dụng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,042

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn