Nghị quyết 27: Nghiên cứu thí điểm sáp nhập tỉnh, tiếp tục sáp nhập huyện xã

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
30/11/2022 10:25 AM

Nhà nước đã sáp nhập nhiều huyện, xã do không đạt tiêu chí như diện tích, dân số,… Vậy có thực hiện sáp nhập tỉnh trong thời gian tới hay không? – Bích Châu (Hà Nội).

Nghị quyết 27: Nghiên cứu thí điểm sáp nhập tỉnh, tiếp tục sáp nhập huyện xã

Nghị quyết 27: Nghiên cứu thí điểm sáp nhập tỉnh, tiếp tục sáp nhập huyện xã

Nghiên cứu thí điểm sáp nhập tỉnh

Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo đó, một trong những nội dung nổi bật tại Nghị quyết 27-NQ/TW là tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;

Nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương;

Xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Như vậy. thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện sáp nhập huyện, xã và nghiên cứu thí điểm sáp nhập tỉnh.

Tiêu chí của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hiện hành, tiêu chí của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 (được sửa đổi tại Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023), cụ thể như sau:

**Tiêu chí của tỉnh:

(1) Quy mô dân số:

- Tỉnh miền núi, vùng cao: từ 900.000 người trở lên;

- Tỉnh không miền núi, vùng cao: từ 1.400.000 người trở lên.

(2) Diện tích tự nhiên:

- Tỉnh miền núi, vùng cao: từ 8.000 km2 trở lên;

- Tỉnh không thuộc miền núi, vùng cao: từ 5.000 km2 trở lên.

(3) Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 11 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất 01 thành phố hoặc 01 thị xã.

(Từ ngày 01/01/2023, số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 01 thành phố hoặc 01 thị xã).

**Tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương:

(1) Quy mô dân số từ 1.500.000 người trở lên.

(Từ ngày 01/01/2023, Quy mô dân số từ 1.000.000 người trở lên).

(2) Diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.

(3) Đơn vị hành chính trực thuộc:

- Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 11 đơn vị trở lên;

(Từ 01/01/2023, số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên)

- Tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên.

(Từ 01/01/2023, tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận).

(4) Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.

(5) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13.

Lưu ý: Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 cũng đã bổ sung tiêu chí đặc thù đối với thành phố trực thuộc trung ương.

Cụ thể, Thành phố trực thuộc trung ương có 02 yếu tố đặc thù sau đây thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số, tiêu chuẩn tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện bằng 50% mức quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13; các tiêu chuẩn khác thực hiện theo quy định tại Mục 2 (Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị):

- Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận;

- Được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ

Đây cũng là nội dung quan trọng tại Nghị quyết 27-NQ/TW.

Theo đó, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách.

Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện; từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; đề cao tính chủ động, sáng tạo, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công cụ kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia.

Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân.

Xem chi tiết tại Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,910

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn