Đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 chính sách lớn trong Luật Tài nguyên nước năm 2012

07/04/2022 11:41 AM

Sáng nay 6/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan về tình hình xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp 

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, hệ thống pháp luật tài nguyên nước hiện hành gồm: Luật Tài nguyên nước năm 2012 và 63 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật, trong đó 12 Nghị định (4 sửa đổi, bổ sung), 16 Quyết định của Thủ tướng và 35 Thông tư. Tại các địa phương, theo số liệu báo cáo 54 tỉnh, đã ban hành 357 văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Tài nguyên nước và các quy định của Nghị định.

Qua gần 9 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 có những tiến bộ, giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Thực tế đó, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ nguồn nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện và cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đảm báo tính thống nhất, toàn diện của hệ thống pháp luật. Cụ thể là tiếp tục cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc của Luật Tài nguyên nước hiện hành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật khác có liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Cần thiết lập hệ thống quản trị tài nguyên nước hiện đại hiệu lực, hiệu quả, , đa mục tiêu, tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh báo cáo tại cuộc họp trực tuyến

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, xuất phát từ những tồn tại nêu trên và định hướng của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung 4 chính sách lớn gồm: An ninh tài nguyên nước quốc gia; Xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; Tài chính về tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và các chính sách khác.

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thực hiện nghiên cứu các quy định, các định hướng của Đảng, Nhà nước liên quan đến 4 chính sách nêu trên và nghiên cứu các kinh nghiệm một số nước trong khu vực như Trung Quốc (Luật Quản lý ô nhiễm, Luật Thủy lợi), Hàn Quốc (Luật nước dưới đất, Luật sông, Luật bảo toàn môi trường nước, Luật hệ thống thoát nước), Thái Lan (Luật tài nguyên nước), Nhật Bản (Luật sông), Hà Lan (Đạo luật nước), Pháp (Luật nước), EU. Đồng thời, xây dựng các sơ đồ, phương pháp luận để định hướng cho xây dựng dự thảo.

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đánh giá cao quá trình xây dựng, chuẩn bị Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của Cục Quản lý tài nguyên nước. Các đại biểu cũng nhất trí, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2023 với 04 nhóm chính sách lớn nêu trên nhằm thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài nguyên quan trọng, thiết yếu, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý; tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; bảo đảm tính tương thích với pháp luật, thông lệ quốc tế và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý cũng tập trung chia sẻ kinh nghiệm, cách thức thực hiện, sự phối hợp của các cơ quan liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, nhằm đảm bảo tiến độ, lộ trình và tính khả thi, khoa học của các nội dung đưa vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung trí tuệ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kế hoạch, Tờ trình Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, Cục tập trung rà soát, bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên nước đồng bộ, tổng hợp, thống nhất với các luật có liên quan.

Thanh Tâm

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,105

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn