Điều kiện để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
29/10/2024 16:45 PM

Bài viết sau có nội dung về điều kiện để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được quy định trong Nghị định 135/2015/NĐ-CP.

Điều kiện để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Điều kiện để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (Hình từ Internet)

1. Điều kiện để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 135/2015/NĐ-CP (sửa đổi  khoản 4 Điều 1 Nghị định 16/2019/NĐ-CP) thì để được ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có lãi trong 03 năm liên tục liền trước năm thực hiện ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập bởi các tổ chức kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ trọng yếu theo quy định của Bộ Tài chính (không áp dụng đối với quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán)

- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có nợ thuế đối với ngân sách nhà nước.

- Có tài liệu chứng minh về nguồn ngoại tệ trên tài khoản để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là ngoại tệ tự có.

- Có phương án đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được cấp có thẩm quyền của tổ chức kinh tế (đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và tương đương) hoặc cấp có thẩm quyền khác thông qua theo quy định của pháp luật.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước (đối với trường hợp tổ chức ủy thác là tổ chức kinh tế có sở hữu vốn nhà nước).

2.  Nguyên tắc ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Nguyên tắc ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được quy định cụ thể tại Điều 19  Nghị định 135/2015/NĐ-CP như sau:

- Tổ chức ủy thác chỉ được ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào các công cụ đầu tư quy định tại Điều 8 Nghị định 135/2015/NĐ-CP.

Điều 8. Công cụ đầu tư

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể về loại, tiêu chí lựa chọn công cụ đầu tư ở nước ngoài trong từng thời kỳ.

2. Nhà đầu tư chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào các công cụ đầu tư do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

3. Tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác là ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp chỉ được tự doanh đầu tư, nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào công cụ đầu tư là trái phiếu, các công cụ trên thị trường tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.”

- Việc ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải được lập thành hợp đồng ủy thác đầu tư, trong đó phải quy định rõ số tiền ủy thác, thời hạn ủy thác, công cụ đầu tư, quyền và nghĩa vụ của các bên phù hợp với quy định tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật liên quan.

- Đồng tiền sử dụng để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải là ngoại tệ.

- Trường hợp tổ chức tự doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài này còn hiệu lực, tổ chức tự doanh không được thực hiện ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua tổ chức nhận ủy thác.

3. Đối tượng được phép ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Tổ chức kinh tế chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hình thức ủy thác đầu tư cho các tổ chức được phép nhận ủy thác đầu tư quy định tại Điều 21 Nghị định 135/2015/NĐ-CP, trừ các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 135/2015/NĐ-CP.

(Theo Điều 18 Nghị định 135/2015/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 503

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]