Cho mượn xe mà dính phạt nguội: Ai chịu phạt?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
24/10/2024 10:20 AM

Mượn xe có bị phạt lỗi xe không chính chủ? Cho mượn xe mà dính phạt nguội thì ai chịu phạt?

Cho mượn xe mà dính phạt nguội: Ai chịu phạt?

Cho mượn xe mà dính phạt nguội: Ai chịu phạt? (Hình từ internet)

1. Cho mượn xe mà dính phạt nguội: Ai chịu phạt?

Khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

8. Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

a) Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện;

b) Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.

Như vậy, khi cho mượn xe mà chiếc xe đó dính phạt nguội thì chủ xe (tứng người đang đứng tên trên cà vẹt xe) sẽ là người bị mời lên để làm việc. Khi đó, chủ xe có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định ai là người đã điều khiển chiếc xe đó thực hiện hành vi vi phạm.

- Trường hợp nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển xe vi phạm giao thông thì chủ xe sẽ bị xử phạt đối với hành vi bị phạt nguội;

- Trường hợp chứng minh được mình không phải là người điều khiển xe thì người đã lái xe vi phạm giao thông sẽ là người bị phạt.

Căn cứ pháp lý: Khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP

2. Mượn xe có bị kiểm tra lỗi xe không chính chủ?

Khi mượn xe lưu thông trên đường thì chắn chắn CSGT sẽ không kiểm tra lỗi xe không chính chủ (tức là lỗi mua bán xe cũ nhưng không sang tên xe), bởi vì lỗi này chỉ được xác minh thông qua công tác đăng ký xe hoặc quá trình giải quyết vụ tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, khi mượn xe thì nhớ mang theo đầy đủ giấy tờ xe và tuân thủ các quy định giao thông.

Căn cứ pháp lý: Điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP

3. Quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát

- Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

Kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ.

- Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

- Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó theo quy định của Luật Công an nhân dân. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

- Được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017; quy định khác của pháp luật có liên quan và của Bộ Công an.

- Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

(Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,055

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]