Bảng giá đất của một tỉnh, thành được lấy ý kiến qua các hồ sơ dự thảo nào? (Hình từ internet)
Tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 71/2024/NĐ-CP đã có quy định như sau:
Hồ sơ lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo bảng giá đất, trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua bảng giá đất
1. Hồ sơ lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo bảng giá đất:
a) Dự thảo Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất;
b) Dự thảo bảng giá đất;
c) Dự thảo Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất
…
Như vậy, theo quy định trên thì trước khi ban hành bảng giá đất tại địa phương, các tỉnh, thành sẽ công bố hồ sơ lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo bảng giá đất bao gồm các dự thảo kèm theo gồm:
- Dự thảo Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất;
- Dự thảo bảng giá đất;
- Dự thảo Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất
Căn cứ theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 71/2024/NĐ-CP thì Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố sẽ là cơ quan có trách nhiệm xây dựng dự thảo Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất.
Đồng thời, sẽ đăng hồ sơ lấy ý kiến đối với dự thảo bảng giá đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời gian 30 ngày.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo bảng giá đất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan thuế, tổ chức công chứng nhà nước, tổ chức tư vấn xác định giá đất.
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 71/2024/NĐ-CP thì các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất như sau:
- Các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất đối với đất phi nông nghiệp, bao gồm:
+ Vị trí, địa điểm của thửa đất, khu đất;
+ Điều kiện về giao thông: độ rộng, kết cấu mặt đường, tiếp giáp với 01 hoặc nhiều mặt đường:
+ Điều kiện về cấp thoát nước, cấp diện;
+ Diện tích, kích thước, hình thể của thửa đất, khu đất;
+ Các yếu tố liên quan đến quy hoạch xây dựng gồm: hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chỉ giới xây dựng, giới hạn về chiều cao công trình xây dựng, giới hạn số tầng hầm được xây dựng theo quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);
+ Hiện trạng môi trường, an ninh;
+ Thời hạn sử dụng đất,
+ Các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất phù hợp với điều kiện thực tế, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất đối với đất nông nghiệp, bao gồm:
+ Năng suất cây trồng, vật nuôi;
+ Vị trí, đặc điểm thửa đất, khu đất: khoảng cách gần nhất đến nơi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
+ Điều kiện giao thông phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: độ rộng, cấp đường, kết cấu mặt đường; điều kiện về địa hình;
+ Thời hạn sử dụng đất, trừ đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức giao đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền thi không căn cứ vào thời hạn sử dụng đất,
+ Các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất phù hợp với thực tế, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, mức độ chênh lệch tối đa của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất để xác định mức trong đồng nhất định, cách thức điều chỉnh đối với từng mức độ chênh lệch của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất.
Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa quy định hoặc quy định còn thiếu các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, mức độ chênh lệch tối đa của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, cách thức điều chỉnh đối với từng mức độ chênh lệch của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất thì tổ chức thực hiện định giá đất đề xuất cụ thể trong Báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất để Hội đồng thẩm định giá đất xem xét giải quyết.