BV Phụ sản TƯ biến sản phụ thành “chuột bạch”

14/05/2014 08:47 AM

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh nhân và người nhà còn có thêm nỗi sợ các nhân viên y tế “hung thần”, sợ các “cò” chặt chém. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có bảy ngày tác nghiệp ở Bệnh viện này, cùng các bệnh nhân “sống trong sợ hãi” vì thái độ các điều dưỡng và sự náo loạn của các dịch vụ “cò” mồi.

Bệnh nhân và người nhà nơm nớp sợ bị nhân viên y tế cho “ăn” mắng.

Nỗi niềm các “bà” sản phụ

Trong vai người nhà một sản phụ phải nhập viện do nhiễm trùng vết mổ sinh, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có một tuần ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ngày 17/4, sản phụ Trần Thị Hương (30 tuổi, Quảng Ninh) được đưa vào Khoa sản III của Bệnh viện để phẫu thuật lại và nằm điều trị đến ngày 22/4.

Thời điểm này, Bệnh viện có rất nhiều sinh viên đến thực tập. Điều khiến các bệnh nhân liên tục lo lắng, bất an suốt quá trình điều trị là gần như bị giao phó làm “chuột bạch” cho các sinh viên thực tập. Việc để các sinh viên, học sinh ngành y thực tập trên bệnh nhân là việc cần thiết, bắt buộc trong đào tạo. Nhưng việc thực tập phải được hướng dẫn, thực hành chu đáo, không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Rất tiếc, bệnh viện đã không chú ý đến khâu này, nên bệnh nhân trở thành “chuột bạch” đáng tiếc.

Phòng chị Hương nằm có 6 bệnh nhân, phần lớn đều từ các tuyến tỉnh chuyển lên và trong tình trạng sức khỏe yếu sau phẫu thuật. Vào khoảng 7h30 mỗi ngày, các y tá  đẩy xe đi phát thuốc tới từng giường bệnh nhân, các học viên cũng được đi theo thực hành, một ca sẽ có 2 y tá và 2-4 học viên được thực hành “sống” trên người bệnh nhân. Có trường hợp học viên còn được giao thực hiện cả những kỹ thuật chưa… học.

Học viên suýt tiêm nhầm nước cất

Trừ ngày đầu tiên điều dưỡng hướng dẫn và đứng cạnh các học viên khi tiêm truyền cho bệnh nhân, các ngày sau đó thường có hai điều dưỡng đảm nhận việc pha thuốc, sau đó đưa cho học viên kèm lời chỉ dẫn “tiêm cho bà số 5”, “tiêm cho bà số 3”… (tức là tiêm cho bệnh nhân ở giường số 5 hay số 3). Nhân viên y tế gọi chung bệnh nhân là “bà”, không quan tâm bao nhiêu tuổi.

Những bệnh nhân chuyển về bệnh viện tuyến cuối thường đã phải điều trị dài ngày, sức khỏe suy kiệt nên việc thực hiện các thao tác tiêm truyền thường khó khăn hơn, đặc biệt người bệnh rất đau đớn. Nhìn học viên loay hoay mở nắp hộp kim, nghiến răng ấn lên xi lanh, bệnh nhân sợ toát mồ hôi. Do kỹ thuật tiêm không đều tay nên có khi học viên lên gân bơm thuốc nhanh gây nhức buốt rần rần, có khi ấn xi lanh mỏi quá thì dừng lại… thở. Một mũi tiêm phải qua 2-3 “hiệp” như vậy. Chưa kể thường xuyên lệch ven, tắc kim, chảy máu khi tiêm.

Các sản phụ bị biến thành “chuột bạch” trong tay học viên thực tập

Ngày 20/4, chị Hương chết khiếp khi thấy học viên tiêm cho mình cầm xi lanh như cầm… bơm xe đạp. Thay vì dùng ngón trỏ và ngón giữa giữ ống xi lanh, ngón cái ấn đầu bít tông như thông thường, học viên này một tay ôm xi lanh, tay còn lại xòe ra ấn cả lòng bàn tay xuống bít tông. Chị Hương “kêu cứu” điều dưỡng gần đó liền bị quát: “Thế chị là nhân viên y tế hay chúng tôi là nhân viên y tế?”. Sau đó, điều dưỡng giằng lấy ống tiêm trên tay học viên để tiêm lại cho bệnh nhân.

Lát sau, cũng học viên trên được điều dưỡng sai lấy thuốc tiêm cho “bà” ở giường số 6, nhưng không giám sát. Đến khi học viên chuẩn bị tiêm cho bệnh nhân thì một điều dưỡng giật mình hỏi tiêm cái gì. Học viên vội vàng cầm vỏ ống thuốc vừa lấy, hỏi lại là thuốc gì. Khi phát hiện đó là nước cất, hai y tá cùng hai học việc phá lên cười, không quan tâm đến “bà” bệnh nhân đã cởi quần nằm tơ hơ chờ tiêm.

Kết thúc màn tiêm, các nhân viên y tế rời đi, cả phòng 6 bệnh nhân nhìn nhau ngao ngán. Suýt tiêm nhầm nước cất nhưng cả học viên lẫn điều dưỡng đều không đoái hoài gì đến các “chuột bạch”, không cả một lời xin lỗi.

Chưa dừng ở đó, bệnh nhân còn chịu đựng các điều dưỡng bỏ mặc cho học viên thực hiện những kỹ thuật chưa được học.

Theo lịch, khoảng 15h hàng ngày, chị Hương đi rửa vết thương. Lần này, bước vào phòng thủ thuật, chỉ có một học viên đứng đợi, cho biết được “các chị bảo em sang rửa”. Sau khi mở vết thương, học viên này lúng túng cho biết chỉ từng rửa vết thương hở, chưa rửa vết thương trong như thế này bao giờ, kèm câu thắc mắc “mọi ngày các chị ấy có cho ôxy già vào không nhỉ”? Hai điều dưỡng nghe người nhà bệnh nhân báo tin liền chạy sang “chấn chỉnh” học viên: “Không biết thì phải hỏi các chị, chứ ai cho các em tự làm”.

Sau vài ngày làm “chuột bạch”, các bệnh nhân rút kinh nghiệm và tự bảo vệ mình bằng cách: mỗi khi học viên lấy thuốc là phải quan sát để tránh bị tiêm nhầm thuốc, phải cố gắng ghi nhớ các thao tác tiêm truyền để phòng khi học viên lóng ngóng thì nhẹ nhàng… góp ý.

Điều dưỡng ném kim tiêm vào bệnh nhân

Bác sĩ chỉ thăm bệnh khoảng vài phút mỗi sáng từ thứ hai đến thứ sáu, thời gian còn lại và hai ngày nghỉ chỉ có nhân viên y tế. Các điều dưỡng là những người tiếp xúc nhiều nhất với bệnh nhân. Bệnh nhân nào lỡ kêu đau, sẽ được họ động viên “có bệnh thì phải đau, không đau thì đi bệnh viện làm gì” hoặc “thế này ăn thua gì, vào đây đầy người còn nặng hơn”, hoặc “có gì mà đau, tôi chẳng thấy đau gì cả”.

Ngày 18/4, một bệnh nhân cùng phòng chị Hương mệt mỏi vì cả đêm đau không ngủ được, bị điều dưỡng quát: “Nói to lên, bệnh này không có gì mà phải thều thào”, sau đó quay lưng bỏ đi, miệng lầm rầm: “Người gì mà yếu, nhìn chẳng có chút sức sống”.

Tối 19/4, thêm một bệnh nhân nhập viện, chị này được truyền đến 22h thì xong. Người nhà sang gọi điều dưỡng để rút dây truyền, được trả lời: “Cứ để thế, mai còn truyền”. Suốt đêm đó, bệnh nhân phải nằm trằn trọc, không dám xoay trở với cánh tay phải lủng lẳng dây truyền. Sáng hôm sau, chị này bị máu chảy ngược lại vào dây truyền.

Ngày 21/4, chị Hương thấy lần này điều dưỡng luồn kim đau hơn bình thường. Thường bệnh nhân trong khi truyền vẫn có thể ngồi dậy đi lại, nhưng lần này mỗi lần cựa mình đều đau nhói, suốt buổi sáng không dám ngồi dậy, đi vệ sinh càng không. Cánh tay để lâu một chỗ tê dần nhức nhối, gọi điều dưỡng được trả lời: “Truyền thuốc kháng sinh dĩ nhiên phải đau, đau thế đã ăn thua gì”.

Đến giờ cho thăm người bệnh, người nhà chị Hương cũng là một bác sĩ, sau khi xem xét cánh tay sưng tấy đỏ ửng của chị đã nói mũi kim lấy quá sát thành mạch, mỗi lần cựa sẽ đâm vào thành mạch dẫn đến đau, phải yêu cầu rút ra vì vị trí mũi kim như vậy không những khiến bệnh nhân đau còn khiến dịch hay bị tắc. Sau khi 6h cố gắng chịu đau để truyền hết dịch ngày hôm đó, chị Hương đề nghị điều dưỡng rút mũi kim luồn ra liền bị quát: “Bà đau chứ tôi có đau đâu”. Chị kêu “đau không chịu nổi”, điều dưỡng mới chịu rút mũi kim. 

Ngày thứ năm, khi truyền thuốc, chị Hương bị nôn, sau đó từ sáng đến tối không thể ăn bất cứ cái gì, uống nước cũng nôn. Người nhà liên tục sang tìm bác sĩ nhưng không thấy. Chỉ có điều dưỡng sang giải thích do phản ứng bình thường của thuốc, sau đó không quay lại. Sáng hôm sau, chị Hương nhờ đến 3 điều dưỡng để thông báo tình trạng sức khỏe đến bác sĩ nhưng không được, lý do không phải ca trực và hết giờ giao ban.

Nhân viên bệnh viện vừa hướng dẫn người nhà bệnh nhân, vừa…ngoáy mũi

Sáng ngày 22/4, cả cánh tay chị Hương tấy đỏ, nhức nhối, chỉ còn mỗi mu bàn tay lành lặn nên chị ngỏ ý đề nghị điều dưỡng lấy ven ở mu bàn tay. Điều dưỡng chưa nghe nói dứt câu đã bật dậy ném thẳng cái kim tiêm vào người chị Hương, nói:

- Bà muốn lấy ven chỗ nào thì đi mà lấy, tôi không biết lấy. Tôi ghét nhất là bệnh nhân nào chỉ đạo tôi.

Quay sang mấy học viên đứng cạnh, y tá nói:

- Các em vào lấy cho bà ấy, đến bao giờ không lấy được thì chị sẽ lấy.

Học viên lúng túng nhìn nhau. Ai cũng biết những bệnh nhân nằm lâu, tiêm truyền nhiều, rất khó lấy ven. Sau một hồi sờ nắn tay chị Hương không tìm được ven, hai học viên phải chạy sang cầu cứu một điều dưỡng khác.

Ngoài sự “tra tấn” của các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương còn thêm hoang mang vì các dịch vụ cò mồi náo loạn vào tận giường bệnh...

(Theo Pháp luật Việt Nam)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,835

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn