Các chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
16/09/2024 19:45 PM

Bài viết sau có nội dung về các chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quy định trong Nghị định 141/2013/NĐ-CP.

Các chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

Các chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận (Hình từ Internet)

1. Các chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 141/2013/NĐ-CP thì chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận gồm:

- Ưu đãi thuế, miễn thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế;

- Ưu tiên giao hoặc cho thuê đất; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất; miễn hoặc giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước theo quy định của pháp luật;

- Hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ giảng viên;

- Chia sẻ sử dụng, khai thác và miễn hoặc giảm kinh phí chia sẻ sử dụng, khai thác tài nguyên chung của giáo dục đại học do Nhà nước đầu tư, các công trình kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, phúc lợi xã hội ở trung ương và địa phương để phục vụ nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ;

- Ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học trên cơ sở cạnh tranh như các cơ sở giáo dục đại học công lập; được tham gia đấu thầu các nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng đối với các lĩnh vực đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học như các cơ sở giáo dục đại học công lập.

- Ưu tiên giao kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với những lĩnh vực mà trường có thế mạnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn áp dụng cụ thể các chính sách khuyến khích đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.

2. Quy định về chương trình đào tạo và hình thức đào tạo ở trường đại học, trường cao đẳng

Chương trình đào tạo và hình thức đào tạo ở trường đại học, trường cao đẳng được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 141/2013/NĐ-CP như sau:

- Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng được xây dựng theo định hướng thực hành, áp dụng cho hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

- Chương trình đào tạo trình độ đại học được xây dựng theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, áp dụng cho hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

- Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được xây dựng theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, áp dụng cho hình thức giáo dục chính quy.

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu áp dụng cho các khóa học tập trung toàn bộ thời gian tại cơ sở giáo dục đại học.

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng được áp dụng cho các khóa học tập trung toàn bộ thời gian hoặc một phần thời gian tại cơ sở giáo dục đại học.

- Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ được xây dựng theo định hướng nghiên cứu, áp dụng theo hình thức giáo dục chính quy cho các khóa đào tạo tập trung tại cơ sở giáo dục đại học. Nghiên cứu sinh phải dành toàn bộ thời gian quy định để học tập và nghiên cứu, trong đó có ít nhất một năm tập trung liên tục tại cơ sở giáo dục đại học.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 292

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn