Hướng dẫn giải quyết các phát sinh trong quá trình vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
11/09/2024 18:00 PM

Bài viết sau có nội dung về việc giải quyết các phát sinh trong quá trình vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa được quy định cụ thể trong Thông tư 61/2015/TT-BGTVT.

Hướng dẫn giải quyết các phát sinh trong quá trình vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa

Hướng dẫn giải quyết các phát sinh trong quá trình vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn giải quyết các phát sinh trong quá trình vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa

Theo quy định cụ thể tại Điều 10 Thông tư 61/2015/TT-BGTVT thì việc giải quyết các phát sinh trong quá trình vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa được thực hiện như sau:

- Trường hợp phát hiện hàng hóa có hiện tượng tự bốc cháy, rò rỉ, đổ vỡ thì người kinh doanh vận tải phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn để bảo vệ người, hàng hóa và phương tiện, kể cả việc phải dỡ bỏ một phần hay toàn bộ hàng hóa; đồng thời phải lập biên bản có xác nhận của người áp tải (nếu có người đi áp tải hàng hóa), chứng nhận của chính quyền địa phương hoặc Cảnh sát giao thông đường thủy hoặc Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc Cảng vụ hàng hải (sau đây gọi chung là Cảng vụ) nơi xảy ra phát sinh và thông báo cho người thuê vận tải biết. Chi phí phát sinh do bên có lỗi chịu trách nhiệm.

Nếu các bên không có lỗi hoặc do nguyên nhân bất khả kháng thì chi phí và thiệt hại phát sinh của bên nào do bên đó tự chịu trách nhiệm.

- Trường hợp phát hiện hàng hóa không đúng với kê khai của người thuê vận tải

+ Phát hiện trước khi vận tải: nếu là hàng hóa thuộc loại nguy hiểm, hàng hóa cấm lưu thông thì phải đưa lên bờ và người kinh doanh vận tải phải thông báo cho Cảng vụ hoặc hoặc cơ quan có thẩm quyền biết để xử lý theo quy định của pháp luật. Người thuê vận tải phải chịu trách nhiệm và thanh toán mọi chi phí phát sinh;

+ Phát hiện trên đường vận tải: nếu là hàng hóa thông thường thì người kinh doanh vận tải thông báo cho người thuê vận tải biết và tiếp tục vận tải đến nơi trả hàng, mọi chi phí phát sinh (nếu có) người thuê vận tải phải thanh toán; nếu là hàng hóa thuộc loại nguy hiểm, hàng hóa cấm lưu thông thì người kinh doanh vận tải thông báo cho người thuê vận tải biết để giải quyết;

Người thuê vận tải phải thanh toán các chi phí và tổn thất phát sinh cho người kinh doanh vận tải và phải chịu mọi chi phí khác do vận chuyển hàng nguy hiểm gây ra, đồng thời người kinh doanh vận tải thông báo cho Cảng vụ hoặc cơ quan có thẩm quyền tại cảng, bến nơi đến biết để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Phương tiện vận tải bị trưng dụng do lệnh của cơ quan có thẩm quyền thì thuyền trưởng, người lái phương tiện phải thông báo cho người kinh doanh vận tải, người thuê vận tải biết để phối hợp thực hiện. Những phát sinh do phương tiện bị trưng dụng được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Quy định về thời gian vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa

Thời gian vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư 61/2015/TT-BGTVT như sau:

Thời gian vận tải một chuyến tính từ khi hàng hóa được xếp xong xuống phương tiện, người thuê vận tải hoàn chỉnh đầy đủ hóa đơn và các giấy tờ khác có liên quan đến hàng hóa và giao cho người kinh doanh vận tải, người kinh doanh vận tải lập giấy vận chuyển có xác nhận của người thuê vận tải đến khi phương tiện đến nơi trả hàng hóa, người kinh doanh vận tải đã hoàn tất các thủ tục vào cảng, bến và người thuê vận tải đã nhận được thông báo của người kinh doanh vận tải phương tiện đến cảng, bến.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 345

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn