Tải App trên Android

Nguyên tắc sử dụng tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
06/09/2024 10:45 AM

Bài viết sau có nội dung về các nguyên tắc được áp dụng khi sử dụng tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định trong Luật Hợp tác xã 2023.

Nguyên tắc sử dụng tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Nguyên tắc sử dụng tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Hình từ Internet)

1. Nguyên tắc sử dụng tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Theo quy định tại khoản 3 Điều 88 Luật Hợp tác xã 2023 thì các nguyên tắc được áp dụng khi sử dụng tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm:

- Quản lý, sử dụng tài sản quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Hợp tác xã 2023 theo quy định của pháp luật và Điều lệ hoặc theo thỏa thuận giữa cá nhân, tổ chức tặng cho, tài trợ hợp pháp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải lập sổ theo dõi tài sản chung không chia theo nguồn hình thành.

- Chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo dưỡng và bảo trì định kỳ, sửa chữa bằng chi phí của mình trong quá trình sử dụng;

- Tài sản chung không chia được phép chuyển nhượng, thanh lý sau khi được định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật Hợp tác xã 2023 khi Đại hội thành viên thông qua và phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ hoặc theo thỏa thuận giữa cá nhân, tổ chức tặng cho, tài trợ hợp pháp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được sử dụng tài sản chung không chia để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn và bảo toàn tài sản, trừ tài sản chung không chia quy định tại các điểm a, c và đ khoản 2 Điều 88 Luật Hợp tác xã 2023 và nguồn hỗ trợ của cá nhân, tổ chức có quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đó không được dùng làm tài sản bảo đảm khi vay vốn.

2. Hướng dẫn huy động vốn và tiếp nhận các khoản hỗ trợ, tặng cho, tài trợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Việc huy động vốn và tiếp nhận các khoản hỗ trợ, tặng cho, tài trợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định cụ thể tại Điều 79 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ưu tiên huy động vốn từ thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thỏa thuận với thành viên.

- Trường hợp huy động vốn từ thành viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã huy động vốn từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp nhận các khoản hỗ trợ của Nhà nước thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc quản lý các khoản hỗ trợ của Nhà nước được thực hiện như sau:

+ Khoản hỗ trợ của Nhà nước có quy định đưa vào tài sản chung không chia thì được xác định là tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Khoản hỗ trợ của Nhà nước phải hoàn lại được tính vào số nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Khoản hỗ trợ của Nhà nước không thuộc điểm a và điểm b khoản 3 Điều 79 Luật Hợp tác xã 2023 thì được quản lý theo quy định của Điều lệ.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tặng cho, tài trợ hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tặng cho, tài trợ có yếu tố nước ngoài phải phù hợp với quy định của pháp luật, thỏa thuận quốc tế và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 405

Bài viết về

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]