Tải App trên Android

Mua bán xe cũ không sang tên: Bị phạt bao nhiêu? Rủi ro thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
22/08/2024 10:28 AM

Mua bán xe cũ không sang tên bị phạt bao nhiêu? Mua bán xe cũ nhưng không tìm thấy chủ cũ, chủ cũ đã chết thì làm thế nào?

Mua bán xe cũ không sang tên: Bị phạt bao nhiêu? Rủi ro thế nào?

Mua bán xe cũ không sang tên: Bị phạt bao nhiêu? Rủi ro thế nào? (Hình từ internet)

1. Mua bán xe cũ bắt buộc phải sang tên

Theo quy định tại các Thông tư 24/2023/TT-BCA, Thông tư 58/2020/TT-BCA, Thông tư 15/2014/TT-BCA, Thông tư 36/2010/TT-BCA,… thì từ trước đến nay, khi mua bán xe cũ bắt buộc phải sang tên đổi chủ.

Đồng thời, theo khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc xác minh hành vi mua bán xe cũ nhưng không sang tên chỉ được thực hiện thông qua công tác đăng ký xe hoặc thông qua quá trình giải quyết vụ tai nạn giao thông.

2. Mức phạt lỗi mua bán xe cũ không sang tên

Theo khoản 4 Điều 6 Thông tư 24/2023/TT-BCA, từ ngày 15/8/2024, khi mua bán xe cũ thì chủ cũ phải làm thủ tục thu hồi đăng ký xe và biển số xe, sau đó chủ mới phải làm thủ tục sang tên xe.

Do đó, nếu mua bán xe cũ mà bên nào không làm thủ tục của mình thì bị phạt như sau:

- Bên bán: Nếu bên bán không làm thủ tục thu hồi thì bên bán sẽ bị phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi biển số, đăng ký xe với mức phạt như sau:

+ Đối với mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân, phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 nếu chủ xe là tổ chức.

+ Đối với xe ô tô, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 nếu chủ xe là cá nhân, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức.

(Điểm e khoản 5, điểm c khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

- Bên mua: Nếu bên mua không làm thủ tục sang tên thì bên mua sẽ bị phạt về hành vi không sang tên xe như sau:

+ Đối với mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 nếu chủ xe là tổ chức.

+ Đối với xe ô tô, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 nếu chủ xe là cá nhân, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức.

(Điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

3. Rủi ro khi mua bán xe cũ không sang tên

Có thể thấy, việc mua bán xe nhưng không sang tên có thể dẫn đến những rủi ro pháp lý như:

- Đầu tiên là cả bên bán và bên mua đều bị xử phạt.

- Nếu mua bán xe cũ mà không sang tên ngay, sau này muốn sang tên thì thủ tục sẽ khó hơn rất nhiều.

- Ngoài ra đối với bên bán thì còn nhiều rủi ro pháp lý khác.

Ví dụ:

- Trường hợp ông A bán xe cho ông B nhưng không sang tên, sau đó con ông B chỉ mới 14 tuổi lấy chiếc xe đó chạy và gây tai nạn giao thông thì lúc này ông A là người phải chịu trách nhiệm cho hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe do chiếc xe này ông A vẫn còn đứng tên.

- Hoặc khi chiếc xe bị phạt nguội thì chủ cũ (tức người đang đứng tên trên cà vẹt xe) sẽ là người bị mời lên làm việc.

Ngoài ra thì còn rất nhiều rủi ro khác, do đó, khi mua bán xe thì 2 bên nên nhanh chóng đi sang tên xe để thủ tục được dễ dàng hơn và tránh được những rủi ro pháp lý nặng nề về sau.

4. Mua bán xe cũ nhưng không tìm thấy chủ cũ, chủ cũ đã chết thì làm thế nào?

Theo Điều 31 Thông tư 24/2023/TT-BCA, trường hợp mua bán xe cũ nhưng không tìm thấy chủ cũ hoặc chủ cũ đã chết thì vẫn có thể làm thủ tục sang tên xe.

- Bước 1: Tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe đến cơ quan đang quản lý hồ sơ đăng ký xe đó để làm thủ tục thu hồi và đăng ký sang tên xe tại cơ quan đăng ký xe nơi có trụ sở, cư trú quy định tại Điều 4 Thông tư 24/2023/TT-BCA; trường hợp cơ quan quản lý hồ sơ cùng là cơ quan giải quyết đăng ký sang tên xe thì không phải làm thủ tục thu hồi.

- Bước 2: Giải quyết

+ Trường hợp tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xe hợp lệ, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định và đăng ký sang tên xe theo quy định;

+ Trường hợp tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng: Cơ quan đăng ký xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên xe, cơ quan đăng ký xe phải gửi thông báo cho chủ xe, đồng gửi cơ quan đăng ký xe đã đăng ký cho xe đó; niêm yết công khai về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký của tổ chức, cá nhân tại trụ sở cơ quan đăng ký xe; tra cứu, xác minh tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và giải quyết đăng ký sang tên xe theo quy định.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,238

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]