Hướng dẫn khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
20/08/2024 20:00 PM

Nội dung bài viết trình bày về các biện pháp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật hiện hành. Theo đó là các quy định pháp luật liên quan.

Hướng dẫn khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm

Hướng dẫn khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm (Hình ảnh từ Internet)

1. Ngộ độc thực phẩm là gì?

Theo khoản 10 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.

2. Hướng dẫn về phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm

- Tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu liên quan đến sự cố về an toàn thực phẩm có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

- Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm bao gồm:

+ Bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm;

+ Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng;

+ Kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

+ Phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm;

+ Điều tra, khảo sát và lưu trữ các số liệu về an toàn thực phẩm;

+ Lưu mẫu thực phẩm.

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương.

- Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn đối với những sự cố về an toàn thực phẩm ở nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm.

(Theo Điều 52 Luật An toàn thực phẩm 2010)

3. Hướng dẫn khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm

Theo Điều 53 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về việc khắc phục sự cố an toàn thực phẩm như sau:

- Tổ chức, cá nhân phát hiện sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trong nước hoặc nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới Việt Nam phải khai báo với cơ sở y tế, Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất hoặc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương để có biện pháp khắc phục kịp thời.

- Các biện pháp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm bao gồm:

+ Phát hiện, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người;

+ Điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh;

+ Đình chỉ sản xuất, kinh doanh; thu hồi và xử lý thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh đang lưu thông trên thị trường;

+ Thông báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan;

+ Thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương.

- Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm:

+ Quy định cụ thể việc khai báo sự cố về an toàn thực phẩm;

+ Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra ở nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng tới Việt Nam.

- Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 433

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn