Tổ chức học thuê, thi thuê bị phạt 2 năm tù

11/04/2014 08:51 AM

Người kinh doanh dịch vụ học thuê, thi thuê có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Kinh doanh trái phép" với mức án là 2 năm tù.

Sau khi đăng tải loạt bài phản ánh nạn "học thuê, thi thuê" diễn ra công khai, rầm rộ, với sự hỗ trợ đắc lực của các diễn đàn trên Facebook, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật Inteco, Hà Nội) về những quy định pháp luật trong việc xử lý người học thuê, thi thuê.

- Trong loạt bài chúng tôi vừa đăng tải, theo ông, những người tham gia học thuê, thi thuê đã vi phạm pháp luật như thế nào?

Qua báo chí, tôi được biết học hộ, thi hộ đã biến thành một dịch vụ kiếm tiền, không chỉ dừng lại như một cách bạn bè giúp nhau như trước đây nữa. Học hộ, thi hộ đã là nơi để nhiều người tham gia với mục đích kinh doanh, một thị trường có sự giao dịch mua bán.

Phải khẳng định rằng, học hộ, thi hộ là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 88 Luật Giáo dục đã quy định một trong những điều cấm mà người học không được làm là “gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh”. Điều 13 trong Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực giáo dục cũng đã quy định làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài là hành vi vi phạm pháp luật.

Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy cũng quy định các hành vi mà học sinh, sinh viên không được làm là “gian lận trong học tập như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập, trực hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác”.

- Vậy họ phải bị xử lý như thế nào?

Đối với người thuê, họ đang là sinh viên và chịu sự quản lý trực tiếp của nhà trường. Do đó, trước hết họ phải chịu các hình thức kỷ luật theo quy chế học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành và quy định của nhà trường. Các hình thức kỷ luật hiện có mà nhà trường có thể áp dụng nhẹ nhất là khiển trách và nặng nhất là buộc thôi học.

Với người học thuê, thi thuê, theo quy định tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP  về xử phạt trong lĩnh vực giáo dục, hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Người thi thay hoặc thi kèm người khác, có thể bị xử phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.

- Còn những người lập ra các diễn đàn học thuê, thi thuê thì sao?

Đối với những người tổ chức, môi giới học thuê, thi thuê, sự vi phạm pháp luật được thể hiện qua việc thực hiện các hoạt động kinh doanh trái phép. Chắc chắn rằng, những người tổ chức việc học thuê, thi thuê không được cơ quan nào cấp phép kinh doanh cả. Theo tôi, việc một số cá nhân lập ra các trang điện tử chuyên môi giới, quảng cáo dịch vụ học thuê, thi thuê có thể bị coi là kinh doanh trái phép.

Đối với người tổ chức kinh doanh dịch vụ học hộ, thi hộ, theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, người tổ chức kinh doanh dịch vụ học hộ, thi hộ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 159 Bộ luật Hình sự về tội kinh doanh trái phép, với án phạt có thể lên đến 2 năm tù giam.

Cá biệt, đối với một số đối tượng tổ chức thi hộ và làm giả giấy tờ, tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ để có thể bị xử lý hình sự về tội "Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức" với hình phạt có thể đến 5 năm tù. Tùy thuộc vào hành vi cụ thể, những cá nhân có hành vi tổ chức thi hộ còn có thể phạm vào tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" với hình phạt cao nhất là 7 năm tù nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng.

- Trong loạt bài của chúng tôi, các đối tượng lập diễn đàn "học thuê, thi thuê" có thể không làm với mục đích kinh doanh, không làm giả giấy tờ, mà chỉ là sinh viên giúp nhau?

Nếu như vậy, pháp luật rất khó xử lý về hình sự mà chỉ có thể phạt hành chính như cách tôi nói ở trên.

- Nếu chỉ xử lý hành chính liệu có đủ sức răn đe? Làm sao ngăn chặn được nạn "học giả, bằng thật"?

Theo quan điểm cá nhân tôi, hiện nay, cơ quan chức năng có đủ công cụ để kiểm soát được vấn đề này. Nhu cầu của thị trường trái phép này nằm ở trong giới học sinh, sinh viên. Đây là những đối tượng chịu sự quản lý của nhà trường. Nếu quản lý kỷ luật nghiêm túc, nhà trường không khó kiểm soát việc gian lận của học sinh, sinh viên.

Các chế tài pháp luật hiện có về mặt hành chính và hình sự đều đã quy định đầy đủ. Vấn đề chỉ phụ thuộc vào cách mà cơ quan có trách nhiệm áp dụng vào thực tiễn như thế nào.

Xin cảm ơn luật sư!

Cảnh Kiên (ghi)

Theo Khám Phá

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,025

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn