Thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/06/2024 15:38 PM

Bài viết sau có nội dung về thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành được quy định trong Luật Thanh tra 2022.

Thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành

Thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành (Hình từ Internet)

1. Thanh tra chuyên ngành là gì?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Thanh tra 2022 thì thanh tra chuyên ngành là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

2. Thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành

Thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành được quy định cụ thể tại Điều 50 Luật Thanh tra 2022 như sau:

- Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành được quy định như sau:

+ Chuẩn bị thanh tra, bao gồm: ban hành quyết định thanh tra; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Thanh tra 2022.

Trường hợp để bảo đảm việc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp, trước khi ban hành quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có thể quyết định việc thu thập thông tin theo quy định tại Điều 58 Luật Thanh tra 2022;

+ Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm: công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Thanh tra 2022; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình thanh tra (nếu có); kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp;

+ Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm: báo cáo kết quả thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, trừ trường hợp không cần thiết phải thẩm định quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Thanh tra 2022; ban hành kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra.

- Trường hợp luật khác có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Thanh tra 2022 thì thực hiện theo quy định của luật đó.

- Trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, lĩnh vực, theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Thanh tra 2022 nhưng phải bảo đảm có tối thiểu các thủ tục về ban hành quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra, tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra.

3. Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra

Theo Điều 47 Luật Thanh tra 2022 thì quy định về thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra bao gồm:

- Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được quy định như sau:

+ Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai không quá 30 ngày;

+ Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày;

+ Cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

- Thời gian tạm dừng cuộc thanh tra quy định tại Điều 70 Luật Thanh tra 2022 không tính vào thời hạn thanh tra.

Võ Tấn Đại

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 64

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn