Tải App trên Android

Người chỉ huy chữa cháy khi Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
17/06/2024 10:45 AM

Trong trường hợp lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp thì người chỉ huy chữa cháy được xác định theo Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Người chỉ huy chữa cháy khi Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp

Người chỉ huy chữa cháy khi Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp (Hình từ Internet)

Người chỉ huy chữa cháy khi Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp

Khi xảy ra cháy, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

Tuy nhiên trong trường hợp lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp thì người chỉ huy chữa cháy được quy định như sau:

- Cháy tại cơ sở thì người đứng đầu cơ sở là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp người đứng đầu cơ sở vắng mặt thì đội trưởng đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy;

- Cháy tại thôn thì trưởng thôn là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp những người này vắng mặt thì đội trưởng đội dân phòng hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy;

- Cháy phương tiện giao thông cơ giới đang lưu thông thì người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp không có người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện thì người điều khiển phương tiện là người chỉ huy chữa cháy;

- Cháy rừng nếu chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy, trưởng thôn tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy; nếu chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì trưởng thôn hoặc người được ủy quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

Người đứng đầu đơn vị kiểm lâm hoặc người được ủy quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy;

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) trở lên có mặt tại đám cháy là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.

(Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, sửa đổi 2013)

Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy

Cụ thể tại Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định về quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy như sau:

(1) Người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có các quyền sau đây:

(i) Huy động ngay lực lượng và phương tiện của lực lượng phòng cháy và chữa cháy để chữa cháy;

(ii) Quyết định khu vực chữa cháy, các biện pháp chữa cháy, sử dụng địa hình, địa vật lân cận để chữa cháy;

(iii) Cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ qua lại khu vực chữa cháy; huy động người và phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy;

(iv) Quyết định phá dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

(2) Người chỉ huy chữa cháy là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được thực hiện các quyền quy định tại (1) trong phạm vi quản lý của mình.

Người chỉ huy chữa cháy quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 trong phạm vi quản lý của mình được thực hiện các quyền quy định tại (i) và (ii).

(3) Mọi người phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy. Người chỉ huy chữa cháy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy

- Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

- Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

- Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

- Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

(Điều 4 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,736

Bài viết về

lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]