Hà Nội: Công văn 4277 chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê tại số 258 Phạm Văn Đồng (Hình từ Internet)
Ngày 19/12/2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn 4277/UBND-NC về việc chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê tại số 258 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Công văn 4277/UBND-NC |
Hồi 23h03’ ngày 18/12/2024, xảy ra vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng (về cả người và tài sản) tại địa chỉ số 258, Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Để khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy nêu trên, UBND Thành phố chỉ đạo như sau:
* Giao Giám đốc Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định của pháp luật.
* UBND Thành phố giao:
- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Chủ tịch UBND quận Bắc Từ liêm và các đơn vị có liên quan, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn theo quy định;
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm hỏi, động viên đối với gia đình các nạn nhân là học sinh đang theo học tại các Trường của Thành phố đảm bảo kịp thời, theo quy định (nếu có).
* Giám đốc các Sở, ngành, đơn vị: Công an Thành phố, Y tế, UBND quận Bắc Từ Liêm theo chức năng nhiệm vụ được giao, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra vụ cháy; báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo những nội dung vượt thẩm quyền.
* UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương đặc biệt là Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy; Nghị quyết 26/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố; Công điện 04/CĐ-UBND ngày 24/5/2024 của Chủ tịch UBND Thành phố.
Tập trung tham mưu triển khai có hiệu quả: Quyết định 4702/QĐ-UBND ngày 06/9/2024, Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 17/12/2024 của UBND Thành phố thực hiện Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 33/2024/NQ-HĐND về quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số các công trình vi phạm về PCCC.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa sự cố, giảm nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Xem thêm tại Công văn 4277/UBND-NC ban hành ngày 19/12/2024.
Theo Điều 29 Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về trang bị, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy như sau:
- Trang bị phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ:
+ Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ và trang phục chuyên dùng phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ;
+ Phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, cơ sở do cơ quan, tổ chức, cơ sở trang bị phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, sản xuất, kinh doanh và yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ tại cơ quan, tổ chức, cơ sở;
+ Phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng do Ủy ban nhân dân cấp xã trang bị phù hợp với tính chất, đặc điểm về địa lý, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý.
- Phương tiện chuyên dùng và phương tiện khác phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy phải được quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an.
- Phương tiện chuyên dùng cho công tác cứu nạn, cứu hộ được nghiên cứu, sản xuất trong nước hay nhập khẩu phải bảo đảm chất lượng và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện của Việt Nam.