Học giả, bằng thật vẫn vào hệ thống công chức Nhà nước

27/02/2014 15:39 PM

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực.

Một điều đáng báo động hơn là việc các cá nhân học giả, bằng thật (theo lời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) lại chỉ có thể chui được vào hệ thống công chức Nhà nước, chứ không thể chui vào khối các doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp tư nhân.

Nguyên nhân của tình trạng này có lẽ bắt đầu ngay từ bậc mầm non, tiểu học, đã có một bộ phận không nhỏ phụ huynh học sinh tìm cách chạy trường, chạy điểm, hành động này trở thành tấm gương xấu cho các em. Hành vi xã hội này đã biến các em trở thành những người thiếu trung thực, tiếp tục chạy điểm thi, bằng thật - học giả ở các bậc học cao hơn.

Một số trường học, hay thậm chí lãnh đạo địa phương, các Sở GD&ĐT còn chạy đua với bệnh thành tích trong giáo dục nên càng khiến nạn học giả, bằng thật thêm trầm trọng. Tốt nghiệp cấp ba, bằng mọi cách đều phải cố thi vào ĐH để cho bằng bạn bằng bè, bản thân nhiều học sinh và cả các phụ huynh thường ít khi tự nhìn nhận xem con mình có đủ khả năng, đủ đam mê để thi vào ngành của một trường ĐH nào đó. Miễn là cứ là ĐH cho oai, ra trường tính sau. Chính vì vậy, tình trạng học giả bằng thật mới nhiều như hiện nay. Trong khi, sự thành công nhiều khi không đến từ chiếc bằng ĐH, mà đi học nghề, tích lũy đủ chuyên môn, kỹ năng đủ đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng được coi đã đặt một chân vào cánh cửa của sự thành công ban đầu.

Nhiều cử nhân, thậm chí thạc sỹ, tiến sỹ hiện nay ngay cả lí thuyết ngành mình học cũng khá mơ hồ huống gì nói đến thực tế. Phong trào người người cử nhân, nhà nhà thạc sỹ, cả phường tiến sỹ đang sản sinh thêm cho xã hội nhiều nhà khoa học giấy, bằng cấp là thật, nhưng kiến thức thì giả và ảo.

Có mặt tại nhiều lớp học dành cho các thạc sỹ tương lai, chúng tôi không khỏi giật mình khi nhận được kha khá câu trả lời từ câu hỏi: “Vì sao bạn đi học cao học?”. Đó là vì chưa xin được việc, vì công việc lương thấp quá nên ở nhà chả có việc gì làm thì đi học. Hay các công chức cần làm đẹp bộ hồ sơ thì tranh thủ đi học cao học, nhưng vì bận quá nhiều việc nên tiện nhất là bỏ tiền ra thuê người học hộ, thậm chí tiểu luận, luận văn cũng là sản phẩm đi mua.

Bản thân các cơ quan tuyển dụng, những việc đơn giản cũng yêu cầu bằng ĐH, thậm chí nhiều cơ quan Nhà nước còn phấn đấu đưa ra tiêu chí chỉ nhận bằng cấp trên ĐH như thạc sĩ, tiến sĩ- rất nặng về bằng cấp. Chính vì thế, con số do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đưa ra có lẽ cũng chẳng gây ngạc nhiên cho lắm khi ở một số tỉnh thành, số học sinh theo học nghề chỉ bằng 1/10 so với cao đẳng và ĐH.

Rõ ràng, phương thức thi cử, phương pháp dạy và học được thay đổi quá nhiều. Năm nào cũng có thay đổi. Nhưng điều quan trọng nhất là chất lượng của sản phẩm đầu ra – tức mỗi cử nhân ĐH, có thực sự đáp ứng được yêu cầu về thực hiện công việc của xã hội hay không đang nảy sinh nhiều vấn đề rất đáng báo động.

Xuân Thanh

Theo phapluatxahoi.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,945

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn