Công chứng viên về hưu được làm thêm mấy năm?

21/02/2014 08:01 AM

Hiện vẫn còn 2 phương án quy định về độ tuổi hành nghề đối với công chứng viên sau khi đã về hưu.


Còn 2 ý kiến khác nhau về độ tuổi dành cho công chứng viên

Dự thảo Luật công chứng sửa đổi trình TVQH chiều 20/2 còn 2 loại ý kiến khác nhau về độ tuổi hành nghề của công chứng viên.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi, do đây là công việc có tính đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm để thay mặt Nhà nước cung cấp dịch vụ công. Do vậy, những người này cũng cần có tuổi nghỉ hưu để bảo đảm yêu cầu về việc hành nghề, nhất là về sức khỏe.

Bên cạnh đó, ý kiến thứ hai đề nghị không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong Luật để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này.  

Đề cập đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, độ tuổi hành nghề của công chứng viên với nghỉ hưu hoàn toàn khác nhau. Tuổi hành nghề không ai khống chế nhưng tuổi về hưu thì có. Vấn đề đặt ra, sau khi kết thúc tuổi nghỉ hưu còn ai sử dụng anh không?

Theo bà Mai, công chứng viên trong đơn vị sự nghiệp công lập thì phải quy định tuổi nghỉ hưu theo quy định. Đó là quyền của người lao động, còn có kéo dài thêm hay không phải do Chính phủ quy định.

Nhưng đối với công chứng viên dạng hợp đồng thì có thể thực hiện sau khi đã nghỉ hưu. Bà Mai cho rằng, không nên “khóa” tuổi hành nghề đối với công chứng viên. “Nếu tôi đã 70 tuổi nhưng có kinh nghiệm, làm việc kỹ càng thì đâu có sao?” – bà Mai nói.

Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, cần phân biệt 2 loại công chứng viên của nhà nước và tư nhân. Đã là công chứng viên nhà nước thì phải nghỉ hưu theo độ tuổi lao động. Không thể có chuyện ưu tiên như Bộ trưởng hay các chức vụ cao hơn được. Nghĩa là, đã ở nhà nước thì phải nghỉ hưu theo quy định: nữ 55, nam 60. Còn đối với phòng công chứng tư thì không cứ độ tuổi, không khống chế tuổi. Theo ông Hiện, ở độ tuổi 65 vẫn “còn trẻ lắm”, hoàn toàn có thể cống hiến tiếp được.

Đồng tình với nhận định trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu, độ tuổi hành nghề của công chứng công phải theo luật công chức viên chức nhà nước và luật lao động. Nhưng với công chứng tư sẽ không giới hạn độ tuổi.

Giải đáp những thắc mắc nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lý giải, công chứng viên là do nhà nước bổ nhiệm. Nếu thẩm phán hành nghề có 5 năm, kiểm sát viên 5 năm, chấp hành viên 5 năm, thì công chứng viên là suốt đời. Luật sửa đổi lần này phải khống chế độ tuổi công chứng viên. Tất cả các nước đều khống chế độ tuổi như vậy.

Còn đối với quy định độ tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Cường cho biết, nếu đã đến tuổi, công chứng viên thuộc nhà nước phải nghỉ theo đúng quy định. Khống chế độ tuổi ở đây là dành cho những đối tượng đã nghỉ hưu, và làm công chứng viên ở ngoài.

Trước nhiều ý kiến nêu không giới hạn tuổi, Bộ trưởng Cường cho biết, quan điểm của Chính phủ là giới hạn độ tuổi tối đa của công chứng viên không quá 65 tuổi (nghĩa là sau khi nghỉ hưu, công chứng viên chỉ được làm thêm không quá 5 năm - PV).

Trước khi đưa ra quyết định khống chế, hay không giới hạn độ tuổi đối với công chứng viên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo cần tham khảo thêm kinh nghiệm các nước đang làm.

Liên quan đến phạm vi mở rộng, theo ông Nguyễn Văn Hiện, nếu nhà nước làm tốt việc này, mà xã hội cũng làm tốt thì nên để cho xã hội làm để giảm tải bộ máy hành chính. Đây là xu hướng tốt mà các nước trên thế giới đang làm. Việc mở rộng vừa tốt cho dân, mà nhà nước lại thu được thuế. Ông Hiện cũng đồng ý quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của bản gốc công chứng.

Tuy nhiên ông Ksor Phước lại tỏ ra băn khoăn, đề nghị phải hết sức cẩn thận với quy định này, vì xác thực chữ ký hiện vẫn còn là một vấn đề.

Vậy công chứng viên sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào với bản dịch? Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, tất cả các nước đều quy định trách nhiệm duy nhất thuộc về công chứng viên. Công chứng viên đã đặt bút ký thì phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ, còn người dịch sẽ không thể quy trách nhiệm.

Do vậy trước khi đặt bút ký công chứng viên phải kiểm tra xem bản chứng thực đó có chính xác không, và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch trước khi đặt bút ký.

Ngoài ra cũng theo Bộ trưởng Cường, việc chuyển đổi từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng rất khó. Vì phòng công chứng thuộc nhà nước, nên thành lập hay giải thể phải theo quy định của nhà nước. Còn văn phòng công chứng lại là của tư nhân.

Theo Bộ trưởng Cường, không thể cổ phần hóa mà chỉ ra quyết định giải thể, còn sau sẽ cân nhắc về việc thành lập văn phòng công chứng.

Nguyễn Dũng

Theo infonet.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,046

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]