Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan gì?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
01/04/2024 18:15 PM

Xin cho tôi hỏi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan gì? Chức năng và nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam như thế nào? - Minh Ngọc (Hà Nội)

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan gì?

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan gì? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan gì?

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.

Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.

Từ những tổ chức tiền thân cho đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đoàn kết, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trên 90 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức thành công 13 kỳ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Chức năng và nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

(1) Chức năng

- Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước.

- Đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

(2) Nhiệm vụ

- Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Vận động các tầng lớp phụ nữ chủ động, tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, trình độ, xây dựng gia đình hạnh phúc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ.

- Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ.

- Xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh.

- Đoàn kết, hợp tác với phụ nữ các nước, các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới vì bình đẳng, phát triển và hòa bình.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cấp xã

Tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cấp xã bao gồm:

- Độ tuổi: Theo quy định của luật, điều lệ tổ chức và quy định của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

- Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên. Trường hợp luật, điều lệ tổ chức có quy định khác với quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của luật, điều lệ đó;

- Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên. Trường hợp luật, điều lệ tổ chức có quy định khác với quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của luật, điều lệ đó;

- Các tiêu chuẩn khác theo quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

(Khoản 2 Điều 8 Nghị định 33/2023/NĐ-CP)

Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cấp xã

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cấp xã chỉ đạo và cùng với các ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cấp xã thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tổ chức mình; chương trình, kế hoạch công tác, hướng dẫn hoạt động đối với các chi hội ở thôn, tổ dân phố;

- Phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên tổ chức mình tham gia thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các phong trào thi đua của tổ chức mình theo chương trình, nghị quyết của tổ chức chính trị - xã hội cấp trên đề ra;

- Góp ý, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương; thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của pháp luật; các nghị quyết đối với hội viên của tổ chức mình;

- Chuẩn bị nội dung, triệu tập và chủ trì các Hội nghị, cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ;

- Chỉ đạo việc lập kế hoạch kinh phí, chấp hành, quyết toán kinh phí hoạt động và quyết định việc phân bổ kinh phí hoạt động do Nhà nước cấp đối với tổ chức mình;

- Bám sát hoạt động các phong trào, định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá và báo cáo với cấp ủy Đảng cùng cấp và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cấp trên về hoạt động của tổ chức mình;

- Chỉ đạo hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ theo đúng quy chế hoạt động đã được ban hành;

- Các nhiệm vụ khác theo quy định của Đảng, của pháp luật có liên quan, quy định của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

(Khoản 9 Điều 9 Nghị định 33/2023/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,521

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]