Luật Tiếp công dân 2013 và các văn bản hướng dẫn mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
01/04/2024 11:15 AM

Xin cho tôi hỏi Luật Tiếp công dân 2013 là luật gì? Tính đến này, Luật Tiếp công dân 2013 đã có những văn bản hướng dẫn nào? – Hoàng Nghĩa (An Giang)

Luật Tiếp công dân 2013 và các văn bản hướng dẫn mới nhất

Luật Tiếp công dân 2013 và các văn bản hướng dẫn mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Luật Tiếp công dân 2013 là luật gì?

Luật Tiếp công dân 2013 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25/11/2013, bao gồm 09 chương và 36 điều luật.

Luật Tiếp công dân 2013 quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

Việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.

Thuật ngữ ‘tiếp công dân” được Luật Tiếp công dân 2013 được định nghĩa như sau:

“Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 Luật Tiếp công dân 2013 đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.”

Các văn bản hướng dẫn Luật Tiếp công dân 2013 mới nhất

Tính đến này, Luật Tiếp công dân 2013 đã có các văn bản hướng dẫn như sau:

- Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13 ngày 15/05/2014 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.

- Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 hướng dẫn Luật Tiếp công dân 2013.

Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Ban Tiếp công dân, việc bố trí cơ sở vật chất của Trụ sở tiếp công dân; quy chế phối hợp hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; việc bố trí cơ sở vật chất của địa điểm tiếp công dân; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

- Thông tư 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định về quy trình tiếp công dân do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành.

Thông tư 04/2021/TT-TTCP quy định quy trình tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 4 Luật Tiếp công dân 2013 và các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân 2013.

Ai có trách nhiệm tiếp công dân năm 2024?

(1) Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm:

- Chính phủ;

- Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục;

- Ủy ban nhân dân các cấp;

- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Các cơ quan của Quốc hội;

- Hội đồng nhân dân các cấp;

- Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.

(2) Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

(3) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Căn cứ vào quy định của Luật Tiếp công dân 2013, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội quy định về việc tiếp công dân trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình; Chính phủ quy định cụ thể việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.

(Điều 4 Luật Tiếp công dân 2013)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,899

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]