Tín ngưỡng là gì? Các loại tín ngưỡng ở Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
02/03/2024 17:00 PM

Tôi muốn biết các loại tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay? Xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng của người khác có bị xử phạt hay không? – Thanh Ngân (Bình Dương)

Các loại tín ngưỡng ở Việt Nam (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tín ngưỡng là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 thì tín ngưỡng được hiểu là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thì tín ngưỡng là một hình thức văn hóa tinh thần của con người và các cộng đồng người theo các mức độ khác nhau và có truyền thống lâu đời. Ở Việt Nam từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước, tín ngưỡng đã có vai trò của nó trong việc cố kết cộng đồng, thờ cúng, tôn vinh những thủ lĩnh hay những người có công với cộng đồng.

Ở Việt Nam từ tín ngưỡng được quen sử dụng là một từ Hán Việt. Theo Từ điển Từ nguyên thì tín ngưỡng được giải thích là “tín phục tôn kính”. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa: “Tín ngưỡng: lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa”. Như vậy, bản thân từ tín ngưỡng theo các từ điển thì chỉ sự tin tưởng và tôn kính nói chung.

Đặc điểm tín ngưỡng ở Việt Nam

Tín ngưỡng ở Việt Nam có một số đặc điểm sau:

- Đối tượng thiêng/ tính thiêng trong các loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam không phải là một hay hai vị thần chủ tối cao mà là tập thể các thần linh với đủ cả hai giới tính: nam thần và nữ thần; vật linh (có thần tính/ vật thiêng), thậm chí cả thần cây cối (cây thiêng lâu năm có thần ngự bên trong (mộc tinh), như: thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề; có thần rừng, thần biển và thần nước… Vì thế đối tượng thiêng của các loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam là vô cùng phong phú và đa dạng.

- Các loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam không có tổ chức thống nhất từ trung ương đến cơ sở như các tôn giáo có tổ chức, mà chỉ có những người, nhóm người có vai trò trực tiếp dẫn dắt các hoạt động thực hành nghi lễ và các cộng đồng người tin theo với những quy mô lớn nhỏ khác nhau. Ví dụ, với thờ cúng tổ tiên ở cấp độ gia đình có chủ gia đình (nam giới) dẫn dắt cả gia đình.

- Các loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam không có giáo lý, giáo luật như các tôn giáo lớn trên thế giới (Kitô giáo, Phật giáo, Islam giáo) mà chỉ có một số loại văn tự dùng để thực hành trong nghi lễ, như: văn khấn, chúc văn, bản văn chầu…

- Thực hành nghi lễ trong các loại hình tín ngưỡng cũng vì thế mà rất phong phú và đa dạng: có Khấn lễ, lễ tế, lên đồng, hầu bóng…

Một số tín ngưỡng của người Việt

Nói đến tâm thức tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận đó là một tâm thức tôn giáo đa/ phiếm thần. Các yếu tố về môi trường địa lý, văn hóa lịch sử, truyền thống đạo đức,... đã hình thành nên tôn giáo, tín ngưỡng đặc trưng của người Việt Nam

- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

+ Cho đến nay, thờ cúng tổ tiên vẫn đã và đang là những hình thức tín ngưỡng phổ biến nhất ở Việt Nam, vẫn hiện hữu trong tâm thức của mỗi người, mỗi gia đình và trở thành một trong những nhu cầu tinh thần không thể thiếu nhằm gắn kết các thành viên theo quan hệ huyết thống trong mỗi gia đình, dòng họ.

- Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc

+ Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm và chống thiên tai. Con người Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, trọng đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” nên tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam thấm đượm tinh thần ấy.

+ Tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc phù hợp với lợi ích của nhân dân lao động, có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân, phản ánh về nhu cầu đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

- Tín ngưỡng thờ Thành hoàng

+ Thờ cúng Thành hoàng là một tín ngưỡng phổ biến trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, phản ánh tâm thức tôn giáo của cộng đồng làng xã Việt Nam. Thần thành hoàng từ một vị thần được cộng đồng cư dân tại các làng mạc thờ cúng, về sau đã được các triều đại phong kiến sắc phong, ban cấp điển chế tế tự, trở thành hoạt động nghi lễ chính thống của nhà nước tại các địa phương.

- Tín ngưỡng thờ nữ thần và mẫu thần

+ Tín ngưỡng thờ nữ thần là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Đối với người Việt hiện tượng này có phần trội hơn cả. Thờ nữ thần ở Người Việt có nguồn gốc từ xa xưa trong xã hội nguyên thủy – thời kỳ mẫu hệ kéo dài trong lịch sử phát triển xã hội ở Việt Nam

+ Có thể nói ngay rằng mặc dù ở Việt Nam có rất nhiều nữ thần được thờ, nhưng không phải nữ thần nào cũng được tôn lên ngôi vị danh xưng là Mẫu và được triều đình phong kiến cũng như dân gian xưng tụng, ngợi ca bởi quyền năng và vai trò của các Mẫu. Với nhiều danh xưng khác nhau, như: Mẫu Sơn, Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu, Mẫu Nghi Thiên Hạ… Thờ Mẫu ở Việt Nam trở thành một loại hình khá đặc biệt với những hình thức thực hành nghi lễ riêng biệt.

(Nguồn: Tài liệu kiến thức cơ bản về tín ngưỡng ở Việt Nam của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Quyền tự do tín ngưỡng theo quy định của pháp luật

Điều 24 Hiến pháp 2013 khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người như sau:

- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Điều 6 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 cụ thể hóa quyền tự do tín ngưỡng như sau:

- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

- Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

- Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016.

Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác

Theo Điều 164 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác như sau:

- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Dẫn đến biểu tình;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác có thể bị phạt tù đến 3 năm.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 37,084

Bài viết về

Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn