Thẩm quyền trong việc tiếp nhận các thông báo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của Bộ Nội vụ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
14/06/2024 16:30 PM

Thẩm quyền trong việc tiếp nhận các thông báo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của Bộ Nội vụ là nội dung được đề cập tại Thông tư 03/2024/TT-BNV .

Thẩm quyền trong việc tiếp nhận các thông báo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của Bộ Nội vụ (Hình từ internet)

Ngày 13/6/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 03/2024/TT-BNV quy định phân cấp một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Bộ Nội vụ.

Thẩm quyền trong việc tiếp nhận các thông báo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của Bộ Nội vụ

Theo đó, Ban Tôn giáo Chính phủ được phân cấp thực hiện tiếp nhận thông báo đối với các nội dung sau đây:

(1) Tiếp nhận các thông báo phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc:

- Người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016;

- Người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016;

- Người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc của tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh;

- Kết quả bổ nhiệm, bầu cử, suy cử những người lãnh đạo tổ chức đối với tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016;

- Kết quả bổ nhiệm, bầu cử, suy cử những người lãnh đạo tổ chức đối với tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016;

- Kết quả bổ nhiệm, bầu cử, suy cử những người lãnh đạo tổ chức đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016;

- Kết quả bổ nhiệm, bầu cử, suy cử những người lãnh đạo cơ sở đào tạo tôn giáo theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016;

- Hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử chức sắc đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016;

- Cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 34 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016

- Cách chức, bãi nhiệm chức việc của tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh.

(2) Tiếp nhận thông báo liên quan đến cơ sở đào tạo tôn giáo:

- Hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo;

- Kết quả đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo.

(3) Tiếp nhận thông báo danh mục hoạt động tôn giáo và tổ chức hội nghị thường niên của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc:

- Danh mục hoạt động tôn giáo đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh;

- Danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh;

- Tổ chức hội nghị thường niên của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bản hoạt động ở nhiều tỉnh.

(4) Tiếp nhận thông báo thay đổi trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh.

(5) Tiếp nhận thông báo giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh; cơ sở đào tạo tôn giáo:

- Giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh theo quy định của hiến chương của tổ chức tôn giáo;

- Giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo theo quyết định của tổ chức tôn giáo.

(6) Tiếp nhận thông báo chấm dứt gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam.

(7) Tiếp nhận thông báo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh về việc tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

(Điều 3 Thông tư 03/2024/TT-BNV)

Theo khoản 1 Điều 33 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 quy định tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về người được phong phẩm hoặc suy cử làm hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; mục sư của các tổ chức Tin lành; phối sư trở lên của các Hội thánh Cao đài; giảng sư trở lên của Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và các phẩm vị tương đương của tổ chức tôn giáo khác chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày phong phẩm hoặc suy cử.

Đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc được quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 như sau:

Tổ chức tôn giáo trước khi bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc sau đây có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương:

- Thành viên ban lãnh đạo tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động trong nhiều tỉnh;

- Người đứng đầu tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động trong nhiều tỉnh;

- Người đứng đầu cơ sở đào tạo tôn giáo.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 758

Bài viết về

Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]