Quy định về người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Tiêu chí lựa chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm:
- Là công dân Việt Nam, không phân biệt thành Phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
- Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;
- Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc;
- Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư;
- Có khả năng tuyên truyền, vận động, nắm bắt, xử lý thông tin và quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, cách ứng xử; được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Đối tượng lựa chọn là công dân Việt Nam, cư trú tại các thôn theo quy định tại mục 2 và đáp ứng các tiêu chí quy định trên.
Điều kiện, số lượng lựa chọn, công nhận người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được quy định như sau:
- Mỗi thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thôn của xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lựa chọn, công nhận 01 (một) người có uy tín;
- Trường hợp thôn thành lập mới do sáp nhập các thôn quy định trên kể từ ngày 24/4/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định số lượng người có uy tín được lựa chọn, công nhận nhưng không quá tổng số lượng thôn được sáp nhập.
(1) Cung cấp thông tin
- Định kỳ hoặc đột xuất người có uy tín được phổ biến, cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các Chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương;
- Người có uy tín được cấp (không thu tiền): 01 tờ Báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc; 01 tờ báo tỉnh hoặc hình thức cung cấp thông tin khác phù hợp đối với người có uy tín do địa phương lựa chọn;
- Người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng;
- Tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương người có uy tín được thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc do địa phương xác định, thực hiện.
(2) Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần
- Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) do địa phương lựa chọn. Mức chi tối đa trị giá 500.000 đồng/người/lần và không quá 02 (hai) lần /năm;
- Người có uy tín ốm đau đi điều trị bệnh, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thăm hỏi, hỗ trợ không quá 01 lần/người/năm. Mức chi tối đa trị giá: 3.000.000 đồng/người/năm khi điều trị bệnh tại các cơ sở tuyến Trung ương và tương đương; 1.500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại các cơ sở tuyến tỉnh và tương đương; 800.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến huyện và tương đương; 500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến xã và tương đương;
- Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn đột xuất do sự cố, thiên tai, hỏa hoạn được chính quyền cấp xã nơi cư trú xác nhận. Mức chi tối đa trị giá 2.000.000 đồng/hộ gia đình/năm;
- Thăm viếng, động viên khi người có uy tín, thân nhân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) qua đời. Mức chi không quá 2.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan Trung ương; không quá 1.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp tỉnh; không quá 500.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp huyện;
(3) Biểu dương, khen thưởng, tôn vinh người có uy tín
- Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và các văn bản hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng
- Định kỳ 5 năm/lần tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu đối với cấp Trung ương và cấp tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn, quyết định hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn bảo đảm phù hợp với quy mô, số lượng người có uy tín và tình hình thực tiễn của địa phương.
(4) Các đoàn đại biểu người có uy tín do địa phương tổ chức đi làm việc, giao lưu, gặp mặt, tọa đàm, học hỏi kinh nghiệm tại các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Cơ quan công tác dân tộc ở Trung ương và cấp tỉnh được đón tiếp, hỗ trợ theo quy định về chế độ chi tiếp khách trong nước và các quy định khác có liên quan. Đại biểu người có uy tín được tặng quà trị giá không quá 500.000 đồng/người/lần/năm.
(5) Khi Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Dân tộc đi thăm, làm việc tại các địa phương: Người có uy tín trên địa bản được thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà trị giá không quá 500.000 đồng/người/lần/năm; thăm hỏi, hỗ trợ trị giá không quá 2.000.000 đồng/trường hợp/lần/năm khi người có uy tín ốm đau, chết hoặc hộ gia đình người có uy tín gặp rủi ro đột xuất do sự cố, thiên tai, hỏa hoạn
Căn cứ pháp lý: Điều 4 và 5 Quyết định 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi tại Quyết định 28/2023/QĐ-TTg.