Cống hiến là gì? Quy định chung về khen thưởng quá trình cống hiến

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
23/02/2024 14:45 PM

Xin cho tôi hỏi cống hiến là gì? Pháp luật chung về khen thưởng quá trình cống hiến như thế nào? - Huỳnh Phương (Thanh Hóa)

Cống hiến là gì? Quy định chung về khen thưởng quá trình cống hiến

Cống hiến là gì? Quy định chung về khen thưởng quá trình cống hiến (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cống hiến là gì?

Cống hiến có thể hiểu là hành động tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho lợi ích chung. Đây là một phẩm chất cao đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.

2. Quy định chung về khen thưởng quá trình cống hiến

2.1 Thời gian tham gia công tác để xét khen thưởng quá trình cống hiến

Thời gian tham gia công tác để xét khen thưởng quá trình cống hiến quy định như sau:

- Cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 là những người tham gia cách mạng trước ngày 01/01/1945, người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc được kết nạp lại trước ngày 19/8/1945, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

- Cán bộ tiền khởi nghĩa là người tham gia cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

- Cán bộ hoạt động liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ là người có thời gian tham gia công tác liên tục từ sau ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đến ngày 30/4/1975;

- Cán bộ hoạt động thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là người có thời gian tham gia công tác liên tục trong thời gian từ sau ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đến ngày 20/7/1954;

- Cán bộ hoạt động thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ là người tham gia công tác liên tục trong khoảng thời gian sau ngày 20/7/1954 đến ngày 30/4/1975;

- Người hoạt động liên tục ở chiến trường miền Nam là người hoạt động liên tục ít nhất 10 năm ở chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Trường hợp hoạt động liên tục ở chiến trường từ trước năm 1960 thì thời gian hoạt động liên tục tính đến tháng 01/1973. Trường hợp vào chiến trường từ năm 1964 thì thời gian hoạt động liên tục tính đến ngày 30/4/1975;

- Cán bộ công tác trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là người tham gia công tác từ sau ngày 30/4/1975.

2.2 Thời gian, chức vụ xét khen thưởng quá trình cống hiến

Thời gian, chức vụ xét khen thưởng quá trình cống hiến được quy định như sau:

- Bộ, ban, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng quá trình cống hiến cho cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn khi có thông báo nghỉ chế độ hưu trí hoặc có quyết định nghỉ hưu mà chưa được khen thưởng quá trình cống hiến (kể cả các trường hợp đã hy sinh, từ trần). Trường hợp cá nhân đã được khen thưởng quá trình cống hiến, sau đó tiếp tục công tác và có thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng được khen thưởng quá trình cống hiến thì được tiếp tục xét, khen thưởng quá trình cống hiến đối với thời gian công tác, giữ chức vụ của giai đoạn công tác sau này và được đề nghị tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác theo quy định nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn;

- Cá nhân có thời gian giữ chức vụ nhưng không đủ thời gian để được tính khen theo tiêu chuẩn quy định đối với chức vụ đó thì được cộng với thời gian giữ chức vụ thấp hơn liền kề để tính tiêu chuẩn khen thưởng theo chức vụ thấp hơn liền kề (nếu chức vụ liền kề đó thuộc tiêu chuẩn khen thưởng quá trình cống hiến);

- Cá nhân trong cùng một thời gian đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau thì lấy chức vụ cao nhất để làm căn cứ áp dụng tiêu chuẩn khen thưởng;

- Cá nhân thực hiện yêu cầu luân chuyển, điều động hoặc do sắp xếp tổ chức được cấp có thẩm quyền quyết định, giữ chức vụ thấp hơn trước khi luân chuyển, điều động, sắp xếp tổ chức khi xem xét khen thưởng được lấy chức vụ trước khi luân chuyển, điều động, sắp xếp tổ chức và được tính thời gian liên tục theo chức vụ đó để làm căn cứ xét khen thưởng;

- Những trường hợp đã được khen thưởng quá trình cống hiến, không thực hiện điều chỉnh khen thưởng theo quy định mới về chức danh tương đương. Những trường hợp chưa được khen thưởng quá trình cống hiến, đối chiếu với quy định nếu đúng đối tượng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì đề nghị xét khen thưởng quá trình cống hiến.

2.3 Điều kiện áp dụng khen thưởng quá trình cống hiến

Điều kiện áp dụng khen thưởng quá trình cống hiến bao gồm:

- Không khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc; bị tước danh hiệu quân nhân, công an nhân dân, quân hàm sĩ quan hoặc quân hàm chuyên nghiệp. Đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, sau đó đã sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu và được kết nạp lại vào Đảng, nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định thì thời gian, chức vụ sau khi kết nạp Đảng lần sau được xét khen thưởng;

- Hạ một mức khen đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng sau đó được kết nạp lại, cá nhân: Bị cách chức, giáng chức, giáng cấp bậc, quân hàm, hạ bậc lương, khiển trách, cảnh cáo. Hình thức kỷ luật chỉ xem xét một lần đối với một hình thức khen thưởng (những lần xét khen sau không căn cứ vào hình thức kỷ luật đã xét khen thưởng lần trước).

Lưu ý: Bộ Nội vụ xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng.

(Điều 6 Nghị định 98/2023/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,696

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn