Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất có cần công chứng không? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Đặt cọc được quy định cụ thể tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, luật không quy định bắt buộc phải thực hiện việc công chứng đối với hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp lý cũng như phòng ngừa trường hợp tranh chấp xảy ra, cá nhân nên thực hiện việc công chứng Hợp đồng đặt cọc.
Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định về giá trị của văn bản công chứng. Theo đó, văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
- Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.
Như vậy, một hợp đồng, giao dịch khi qua công chứng thì sẽ được ghi nhận và bảo đảm về mặt nội dung, hình thức cũng như tính pháp lý của văn bản đó.
3.1 Hồ sơ yêu cầu công chứng
Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
- Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Lưu ý: Bản sao theo quy định nêu trên là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.
2.2 Địa điểm công chứng
- Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp dưới đây.
- Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
2.3 Thời gian, trình tự thực hiện
- Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng. Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng.
- Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
2.4 Chi phí công chứng
Việc công chứng hợp đồng đặt cọc sẽ được tính phí công chứng theo phương pháp căn cứ vào giá trị của hợp đồng, cụ thể là giá trị mà các bên đặt cọc. Theo đó, mức phí công chứng phải nộp là:
STT |
Giá trị tiền cọc |
Mức thu (đồng/trường hợp) |
1 |
Dưới 50 triệu đồng |
50.000 |
2 |
Từ 50 triệu đồng - 100 triệu đồng |
100.000 |
3 |
Từ trên 100 triệu đồng - 01 tỷ đồng |
0,1% số tiền đặt cọc |
4 |
Từ trên 01 tỷ đồng - 3 tỷ đồng |
01 triệu đồng + 0,06% phần tiền cọc vượt quá 1 tỷ đồng |
5 |
Từ trên 03 tỷ đồng - 5 tỷ đồng |
2,2 triệu đồng + 0,05% phần tiền cọc vượt quá 3 tỷ đồng |
6 |
Từ trên 05 tỷ đồng - 10 tỷ đồng |
3,2 triệu đồng + 0,04% phần tiền cọc vượt quá 5 tỷ đồng |
7 |
Từ trên 10 tỷ đồng - 100 tỷ đồng |
5,2 triệu đồng + 0,03% phần tiền cọc vượt quá 10 tỷ đồng. |
8 |
Trên 100 tỷ đồng |
32,2 triệu đồng + 0,02% phần tiền cọc vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp). |
(Điều 40, 43, 44 Luật Công chứng 2014 và khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC)