Hướng dẫn tính ngày nghỉ phép năm cho người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
13/02/2024 07:09 AM

Xin cho tôi biết cách tính ngày nghỉ phép năm cho người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng - Hồng Thắm (Tây Ninh)

Hướng dẫn tính ngày nghỉ phép năm cho người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng

Hướng dẫn tính ngày nghỉ phép năm cho người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Hướng dẫn tính ngày nghỉ phép năm cho người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng

Căn cứ Điều 66 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn cách tính ngày nghỉ phép năm trong một số trường hợp đặc biệt như sau:

- Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng: 

Số ngày phép = (Số ngày nghỉ phép khi làm đủ năm + số ngày phép thâm niên (nếu có))/12 x số tháng làm việc thực tế.

- Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ tháng nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 Bộ luật Lao động 2019) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.

- Toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước được tính là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 nếu người lao động tiếp tục làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm cho người lao động

Theo Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm cho người lao động bao gồm:

- Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

- Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019.

- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.

- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

Mức phạt vi phạm quy định về ngày nghỉ phép năm

Cụ thể tại Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;

+ Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

+ Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.

- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

+ Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

+ Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

+ Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Như vậy, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về ngày nghỉ phép năm của người lao động sẽ thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,728

Bài viết về

Nghỉ phép năm/Nghỉ hằng năm

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn