Tiêu chuẩn với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
08/01/2024 09:30 AM

Cho tôi hỏi tiêu chuẩn với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định như thế nào? - Thùy Lâm (Trà Vinh)

Tiêu chuẩn với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã mới nhất

Tiêu chuẩn với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tiêu chuẩn với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã mới nhất

* Tiêu chuẩn chung:

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về cán bộ, công chức, điều lệ tổ chức và quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

* Tiêu chuẩn cụ thể:

Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì tiêu chuẩn với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã như sau:

- Độ tuổi: Khi tham gia giữ chức vụ lần đầu phải đủ tuổi công tác ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ (60 tháng), trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ;

- Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên. Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của luật đó;

- Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên;

- Các tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, của pháp luật có liên quan, quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

2. Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã 

Theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã. Thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã giữ mối liên hệ với Ủy ban nhân dân, các cơ quan nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cùng cấp, các tổ chức xã hội khác và công dân. 

Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân và các nhiệm vụ sau:

- Chủ trì xây dựng quy chế làm việc, nội dung, kế hoạch công tác hàng năm, quý, tháng của Hội đồng nhân dân cấp xã;

- Phân công công việc trong Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã;

- Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch công tác năm, quý, tháng của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã;

- Kiểm tra, đôn đốc, điều phối hoạt động của các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác;

- Theo dõi, đánh giá việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của từng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã;

- Trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã và các cơ quan nhà nước cấp trên;

- Ký các văn bản theo quy định và theo quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân cấp xã;

- Định kỳ báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã với cấp trên;

- Chỉ đạo sơ kết, tổng kết công tác hàng năm, 6 tháng, quý, tháng theo quy định;

- Là đại diện của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã trong mối quan hệ công tác với các cơ quan ở cấp xã và cấp trên; ủy nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ khi vắng mặt tại cơ quan theo quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân cấp xã;

- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài chính, tài sản được cấp có thẩm quyền giao cho Hội đồng nhân dân cấp xã theo quy định;

- Triệu tập và chủ tọa các kỳ họp, hội nghị, cuộc họp định kỳ, đột xuất;

- Các nhiệm vụ khác theo quy định của Đảng, của pháp luật có liên quan và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

3. Nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã

Nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã theo khoản 4 Điều 9 Nghị định 33/2023/NĐ-CP gồm:

- Thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân và của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã;

- Giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ đạo hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã trong phạm vi được phân công; ký các văn bản và giải quyết công việc của Thường trực Hội đồng nhân dân khi được Chủ tịch Hội đồng nhân dân ủy nhiệm;

- Chủ trì hoặc tham gia các hội nghị, cuộc họp khi được Chủ tịch Hội đồng nhân dân phân công; triệu tập và chủ tọa các cuộc họp định kỳ, đột xuất theo phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã hoặc theo quy định tại quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân cấp xã;

- Các nhiệm vụ khác theo quy định của Đảng, của pháp luật có liên quan và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.


 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,878

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn