Công dân có được khiếu nại kết quả sức khỏe nghĩa vụ quân sự không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
02/11/2023 18:30 PM

Xin hỏi công dân có được khiếu nại kết quả sức khỏe nghĩa vụ quân sự không? - Minh Thiên (Hải Dương)

Công dân có được khiếu nại kết quả sức khỏe nghĩa vụ quân sự không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công dân có được khiếu nại kết quả sức khỏe nghĩa vụ quân sự không?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011, quy định khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại 2011 quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, theo quy định nêu trên, khiếu nại kết quả nghĩa vụ quân sự được hiểu là việc công dân theo thủ tục đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi có căn cứ cho rằng kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là không đúng, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi có khiếu nại 

Tại Điều 8 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT BYT-BQP quy định giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự như sau:

- Hội đồng giám định y khoa tỉnh tổ chức giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi có các khiếu nại liên quan đến sức khỏe của công dân được gọi tham gia nghĩa vụ quân sự, công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị, do Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện đề nghị.

- Yêu cầu giám định: Giám định tình trạng bệnh tật theo đề nghị của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện; kết luận giám định phải xác định rõ tình trạng bệnh tật và phân loại sức khỏe theo Bảng số 1, Bảng số 2 và Bảng số 3 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT BYT-BQP.

- Trong vòng 7 - 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị giám định sức khỏe, Hội đồng giám định y khoa tỉnh phải có kết luận giám định sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và gửi hồ sơ, kết quả giám định cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện.

- Quyết định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh là kết luận cuối cùng về khiếu nại sức khỏe của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự.

Như vậy, trên cơ sở khiếu nại, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cấp huyện sẽ đề nghị Hội đồng giám định y khoa tỉnh tổ chức giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự, theo đó quyết định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh là kết luận cuối cùng về khiếu nại sức khỏe của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3. Nộp đơn khiếu nại nghĩa vụ quân sự ở đâu?

Căn cứ tại khoản 5 Điều 34 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định như sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho địa phương cấp xã và cơ quan, tổ chức trên địa bàn; quyết định danh sách công dân gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo đề nghị của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cùng cấp.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 18 Luật Khiếu nại 2011 quy định Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là người quyết định danh sách công dân gọi nhập ngũ. Nếu quyết định đó xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của công dân thì công dân sẽ gửi đơn khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

4. Người khám sức khỏe cố tình làm sai kết quả khám NVQS, bị xử lý thế nào?

Khoản 3 Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 37/2022/NĐ-CP) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

- Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, theo quy định, người khám sức khỏe có có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe hoặc đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,675

Bài viết về

Nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an 2024

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn