Căn cứ Khoản 1 Điều 48 Luật hải quan 2014 quy định các loại hàng hóa tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu phải kiểm tra, giám sát hải quan bao gồm:
(1) Phương tiện quay vòng để chứa hàng hóa.
Theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 49 Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì các phương tiện chứa hàng hóa theo phương thức quay vòng bao gồm:
- Container rỗng có hoặc không có móc treo;
- Bồn mềm lót trong container để chứa hàng lỏng;
- Các phương tiện chứa hàng hóa theo phương thức quay vòng khác.
(2) Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định.
Theo hướng dẫn tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP thì hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định bao gồm: Hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, giáo dục, thi đấu thể thao, sự kiện văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác, khám chữa bệnh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp phục vụ công việc trong thời hạn nhất định.
(3) Máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, khuôn, mẫu theo các hợp đồng thuê, mượn để sản xuất, thi công;
(4) Linh kiện, phụ tùng của chủ tàu nhập khẩu để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài;
(5) Hàng hóa tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm;
(3) Hàng hóa khác theo quy định của pháp luật.
Các loại hàng hóa tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu phải kiểm tra hải quan (Hình từ internet)
Căn cứ Khoản 2, 3 và 4 Điều 48 Luật hải quan 2014 quy định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu như sau:
- Hàng hóa tạm xuất khẩu phải tái nhập khẩu, hàng hóa tạm nhập khẩu phải tái xuất khẩu trong thời hạn quy định và phải được làm thủ tục hải quan.
- Hàng hóa tạm xuất khẩu, hàng hóa tạm nhập khẩu thuộc một tờ khai hải quan được tái nhập khẩu, tái xuất khẩu theo nhiều chuyến hàng thuộc nhiều tờ khai hải quan tái nhập khẩu, tái xuất khẩu.
- Hàng hóa tạm xuất khẩu mà không tái nhập khẩu, hàng hóa tạm nhập khẩu mà không tái xuất khẩu nếu được bán, tặng, trao đổi phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Căn cứ quy định tại Luật hải quan 2014 và các quy định hướng dẫn liên quan thì có thể hiểu:
- Kiểm tra hải quan là việc cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ, tài liệu liên quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
Đối tượng chịu sự kiểm tra hải quan gồm:
+ Đối tượng phải làm thủ tục hải quan;
+ Hồ sơ hải quan và các chứng từ liên quan đến đối tượng phải làm thủ tục hải quan.
- Giám sát hải quan là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa, sự tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo quản, lưu giữ, xếp dỡ, vận chuyển, sử dụng hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.
Đối tượng chịu sự giám sát hải quan gồm:
+ Đối tượng phải làm thủ tục hải quan;
+ Hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan; hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ tại các cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân;
+ Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được đưa về bảo quản chờ thông quan;
+ Hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.
Trong đó, đối tượng phải làm thủ tục hải quan bao gồm:
+ Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý, văn hóa phẩm, di vật, cổ vật, bảo vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan;
+ Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Hàng hóa, phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan. Việc kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.