Những vấn đề phải chứng minh khi tiến hành tố tụng với pháp nhân bị buộc tội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
25/10/2023 18:15 PM

Xin cho tôi hỏi những vấn đề nào cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng với pháp nhân bị buộc tội? - Minh Nhật (Hà Tĩnh)

Những vấn đề phải chứng minh khi tiến hành tố tụng với pháp nhân bị buộc tội

Những vấn đề phải chứng minh khi tiến hành tố tụng với pháp nhân bị buộc tội (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Những vấn đề phải chứng minh khi tiến hành tố tụng với pháp nhân bị buộc tội

Cụ thể tại Điều 441 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định những vấn đề cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân bị buộc tội gồm:

- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự.

- Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân.

- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra.

- Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt.

- Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

2. Các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự với pháp nhân

Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử:

- Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;

- Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;

- Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;

- Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.

Thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định trên không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.

(Điều 436 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

3. Thẩm quyền và thủ tục xét xử vụ án hình sự với pháp nhân

Căn cứ theo Điều 444 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền và thủ tục xét xử vụ án hình sự với pháp nhân như sau:

- Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là Tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.

- Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Phần thứ tư và Phần thứ sáu của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; có mặt bị hại hoặc người đại diện của bị hại.

4. Thẩm quyền, thủ tục thi hành án hình sự với pháp nhân

Thẩm quyền, thủ tục thi hành án hình sự với pháp nhân được quy định tại Điều 445 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân. Trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tiền được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành các hình phạt khác và các biện pháp tư pháp quy định tại Bộ luật Hình sự đối với pháp nhân theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp pháp nhân bị kết án thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì pháp nhân kế thừa các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân bị kết án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án phạt tiền, bồi thường thiệt hại.

5. Thủ tục đương nhiên xóa án tích với pháp nhân

Theo Điều 446 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện sau đây thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích:

Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,484

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]