Quy định về quyền chiếm hữu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
21/08/2023 20:30 PM

Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về quyền chiếm hữu? Xác lập quyền sở hữu dựa trên những căn cứ nào? - Minh Anh (Long An)

Quy định về quyền chiếm hữu (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về quyền chiếm hữu

1.1 Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu

Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

(Điều 186 Bộ luật Dân sự năm 2015)

1.2 Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản

Theo Điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản như sau:

- Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.

- Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định sau: 

Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

1.3 Quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự

Quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự quy định tại Điều 188 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

- Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.

- Người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác nếu được chủ sở hữu đồng ý.

- Người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định: 

Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Căn cứ xác lập quyền sở hữu

Căn cứ theo Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây:

- Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

- Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

- Thu hoa lợi, lợi tức.

- Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.

 - Được thừa kế.

- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.

- Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Trường hợp khác do luật quy định.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,724

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn