Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chậm so với thời hạn quy định như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/08/2023 15:30 PM

Xin hỏi giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chậm so với thời hạn quy định như thế nào? - Hoàng Oanh (Kiên Giang)

Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chậm so với thời hạn quy định như thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 59 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

- Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại mục 3, mục 4.

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chậm so với thời hạn quy định như thế nào?

Trường hợp hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chậm so với thời hạn quy định thì giải quyết như sau:

- Trường hợp vượt quá thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại mục 1 và vượt quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định là sức khỏe chưa phục hồi thì phải giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chi trả tiền trợ cấp chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của bản thân người lao động hoặc của thân nhân của người lao động được hưởng chế độ tử tuất.

(Điều 61 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015)

3. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm:

- Sổ bảo hiểm xã hội.

- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

(Điều 57 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015)

4. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp bao gồm:

- Sổ bảo hiểm xã hội.

- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

(Điều 58 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015)

5. Hồ sơ và trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 62 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định hồ sơ, trình tự khám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

- Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

- Việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch. Hội đồng giám định y khoa chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả giám định của mình theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,399

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]