08 phương thức xúc tiến đầu tư mới nhất năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
04/08/2023 09:27 AM

Cho tôi hỏi có những phương thức nào trong hoạt động xúc tiến đầu tư? Hoạt động xúc tiến đầu tư có những nội dung gì? – Quang Trường (Bình Phước)

08 phương thức xúc tiến đầu tư mới nhất năm 2023

08 phương thức xúc tiến đầu tư mới nhất năm 2023 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. 08 phương thức xúc tiến đầu tư mới nhất năm 2023

Theo khoản 1 Điều 89 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, các hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện theo các phương thức sau đây:

(1) Thu thập thông tin, tổng hợp, nghiên cứu xây dựng các đề án, báo cáo, tài liệu; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng cổng, trang thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư;

(2) Tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; đoàn công tác xúc tiến đầu tư theo từng chuyên đề hoặc đối tác cụ thể;

(3) Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài;

(4) Tổ chức đối thoại giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư;

(5) Kết nối nhà đầu tư với cơ quan nhà nước, với các nhà đầu tư, với các tổ chức, cá nhân;

(6) Tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, chính sách, pháp luật về đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài;

(7) Cung cấp thông tin, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư;

(8) Tổng hợp đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh.

2. Hoạt động xúc tiến đầu tư có những nội dung nào?

Cụ thể tại Điều 88 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về các nội dung trong hoạt động xúc tiến đầu tư bao gồm:

- Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.

- Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư.

- Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

- Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư.

- Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

- Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư.

- Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.

3. Hoạt động xúc tiến đầu tư được điều phối bằng phương thức như thế nào?

Hoạt động xúc tiến đầu tư được điều phối bằng phương thức sau đây:

- Bố trí, sắp xếp các hoạt động xúc tiến đầu tư đảm bảo hiệu quả, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế, vùng lãnh thổ, địa phương và điều kiện cụ thể trong từng thời điểm nhất định;

- Cân đối nội dung, thời gian, thời hạn, tiến độ, thành phần đoàn xúc tiến và kinh phí hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với yêu cầu và thực tiễn triển khai.

(Khoản 1 Điều 90 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

4. Quy định về cơ quan xúc tiến đầu tư

Cụ thể tại Điều 91 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về cơ quan xúc tiến đầu tư như sau:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư trong phạm vi cả nước.

- Các bộ, ngành phân công đầu mối thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực thuộc chức năng và thẩm quyền.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác xúc tiến đầu tư.

- Tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập cơ quan hoặc bộ phận xúc tiến đầu tư trong cơ cấu tổ chức của mình và có trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, biên chế và kinh phí hoạt động.

Trường hợp thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được sự thống nhất của Bộ Nội vụ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

- Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài:

+ Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài trực thuộc và chịu sự quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

+ Tùy theo yêu cầu cụ thể của từng địa bàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Bộ Ngoại giao về số lượng nhân sự xúc tiến đầu tư được bố trí tại cơ quan đại diện.

Trường hợp tại một địa bàn có biên chế từ hai cán bộ xúc tiến đầu tư trở lên thì thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư trực thuộc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

+ Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự chỉ đạo toàn diện của cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,409

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn