Các trường hợp nhà nước đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/07/2023 18:00 PM

Xin cho tôi hỏi các trường hợp nào thì nhà nước sẽ đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp? - Thùy Trang (TPHCM)

Các trường hợp nhà nước đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp

Các trường hợp nhà nước đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp nhà nước đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp

Cụ thể tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 91/2015/NĐ-CP quy định nhà nước thực hiện đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trong các trường hợp sau đây:

- Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc thực hiện tái cơ cấu lại những doanh nghiệp hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phục vụ công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn chiến lược, biên giới đất liền, hải đảo.

- Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội.

2. Nguyên tắc khi thực hiện đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp

Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 91/2015/NĐ-CP quy định nguyên tắc khi thực hiện đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp bao gồm:

- Việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp chỉ thực hiện đối với các trường hợp quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2015/NĐ-CP.

- Phương án mua lại một phần vốn của doanh nghiệp khác phải đảm bảo tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác đủ để thực hiện quyền quyết định các vấn đề của doanh nghiệp khác tại Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội nghị thành viên theo quy định tại khoản 3 Điều 60 và khoản 1 Điều 144 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

- Việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp phải có đề án được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt chủ trương theo quy định tại Điều 20 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu đã đầu tư tại các doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Trình tự lập hồ sơ đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp

Theo Điều 17 Nghị định 91/2015/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục lập hồ sơ đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp như sau:

- Cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ trì lập phương án đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định và hoàn thiện phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc quyết định đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp theo thẩm quyền. Nội dung phương án gồm:

+ Đánh giá thực trạng tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Mục tiêu, sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.

+ Mức vốn đầu tư.

+ Đề xuất nguồn vốn đầu tư: Gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Cơ quan tài chính cùng cấp:

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và phương án đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện thẩm định các nội dung của phương án và có ý kiến bằng văn bản về việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu.

+ Trường hợp phương án đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp chưa đảm bảo nội dung theo quy định, cơ quan tài chính cùng cấp có văn bản (nêu rõ lý do) gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ trì để tiếp tục kiểm tra, hoàn thiện phương án trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận được phương án.

- Trường hợp phương án đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi phương án đến Bộ Tài chính để thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Trình tự cấp vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp

Trình tự, thủ tục cấp vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp được quy định tại Điều 18 Nghị định 91/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 140/2020/NĐ-CP) như sau:

- Cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản đề nghị và gửi phương án đầu tư mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 91/2015/NĐ-CP đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện thủ tục cấp vốn thanh toán cho người bán để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.

Đối với trường hợp cấp vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, căn cứ vào phương án đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đã được phê duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản gửi cơ quan tài chính, kế hoạch cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm (nội dung chi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp).

- Cơ quan tài chính cùng cấp:

+ Căn cứ quyết định phê duyệt mức vốn và nguồn vốn sử dụng để đầu tư mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền để tiến hành cấp vốn đầu tư thanh toán cho người bán một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.

+ Trường hợp cấp vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã ghi trong dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước) phê duyệt, thông báo, cơ quan tài chính thực hiện trình tự, thủ tục cấp vốn từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

+ Trường hợp cấp vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính thực hiện cấp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp cho người bán theo quy định.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,908

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn