Bị giựt hụi, chủ hụi bỏ trốn giải quyết như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
20/07/2023 19:30 PM

Xin tư vấn giúp tôi quy định pháp luật nếu tôi bị giựt hụi chủ hụi bỏ trốn giải quyết như thế nào? - Bảy Bành (Bến Tre)

Bị giựt hụi chủ hụi bỏ trốn giải quyết như thế nào?

Bị giựt hụi chủ hụi bỏ trốn giải quyết như thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Trách nhiệm của chủ hụi chậm giao phần hụi

Theo quy định Khoản 3 Điều 4 Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì chủ hụi là người tổ chức, quản lý dây hụi, thu các phần hụi và giao các phần họ đó cho thành viên được lĩnh hụi trong mỗi kỳ mở hụi cho tới khi kết thúc dây hụi. Chủ hụi có thể đồng thời là thành viên của dây hụi.

* Dựa theo khái niệm  tính chất chất chơi hụi thì có thể chia thành 2 trường hợp chủ hụi giật hụi như sau:

1. Chủ hụi không có khả năng thanh toán nhưng không bỏ trốn:

Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 18 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ của chủ hụi thì có bao gồm giao các phần hụi cho thành viên lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi và nộp thay phần hụi của thành viên nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo đó, đến kỳ mở hụi mà chủ hụi vì bất cứ lý do gì mà không thanh toán cho thành viên được lĩnh hụi cũng như không có thỏa thuận bằng văn bản khác.

2. Chủ hụi cố tình không thanh toán và bỏ trốn:

Ở trường hợp này, thì chủ hụi trong bất kỳ giai đoạn nào của dây hụi, thông thường là sau khi gom được tiền lĩnh hụi của con hụi được lĩnh trong kỳ mở hụi đó thì cố tình không thanh toán và bỏ trốn nhằm chiếm hoạt tiền hụi của cả dây hụi.

Căn cứ Điều 23 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của chủ hụi do đến kỳ mở không giao hoặc giao không đầy đủ các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi như sau:

- Thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 18 của Nghị định 19/2019/NĐ-CP bao gồm:

+ Giao các phần hụi cho thành viên lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi.

+ Nộp thay phần hụi của thành viên nếu đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh hụi theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

- Chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây hụi có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật dân sự 2015.

- Bồi thường thiệt hại (nếu có).

Bên cạnh đó, chủ hụi còn có thể bị xử phạt hành chính mức phạt vi phạm từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không giao các phần hụi cho thành viên lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi theo căn cứ Điểm đ Khoản 1 Điều 16 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Truy cứu TNHS trường hợp chủ hụi bỏ trốn

Trường hợp đến kỳ mở hụi và đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm chủ hụi cố ý bỏ trốn do cố tình không thành toán, không giao phần hụi cho thành viên lĩnh hụi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, Điều 169, Điều 170, Điều 171, Điều 172, Điều 173, Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật hình sự 2015 , chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

-. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tùy thuộc vào tính chất, quy mô dây hụi mà chủ hụi bỏ trốn cố tình không thanh toán phần hụi cho thành viên lãnh hụi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tù lên lến 12 năm và phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,949

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]