04 trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/06/2023 11:08 AM

Xin cho tôi hỏi có các trường hợp nào mà thị thực được chuyển đổi mục đích không? - Văn Hậu (TP.HCM)

04 trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích năm 2023

04 trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích năm 2023 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích

Theo Điều 7 Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019), thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ các trường hợp sau đây:

- Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;

- Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;

- Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Điều kiện cấp thị thực theo pháp luật Việt Nam

Tại Điều 10 Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019) quy định điều kiện cấp thị thực như sau:

- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

- Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16b và khoản 3 Điều 17 Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

- Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

- Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:

+ Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;

+ Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;

+ Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;

+ Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.

- Thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài có hộ chiếu và không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

3. Thị thực có thời hạn trong bao lâu?

Thời hạn thị thực được quy định tại Điều 9 Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019) như sau:

- Thị thực ký hiệu SQ, EV có thời hạn không quá 30 ngày.

- Thị thực ký hiệu HN, DL có thời hạn không quá 03 tháng.

- Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 06 tháng.

- Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT có thời hạn không quá 12 tháng.

- Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm.

- Thị thực ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 03 năm.

- Thị thực ký hiệu LS, ĐT1, ĐT2 có thời hạn không quá 05 năm.

- Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới.

- Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày.

- Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thời hạn thị thực cấp theo điều ước quốc tế.

4. Các trường hợp được miễn thị thực

Căn cứ theo Điều 12 Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019) quy định các trường hợp được miễn thị thực bao gồm:

- Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

- Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

- Theo quy định tại Điều 13 Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,434

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn