Các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
26/04/2023 17:30 PM

Cho tôi hỏi pháp luật quy định những hành vi nào là hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp? - Thu Trang (Thái Bình)

Các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp

Các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là doanh nghiệp có vị trí độc quyền?

Theo Điều 25 Luật Cạnh tranh 2018, doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.

2. Các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp

Các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp bao gồm:

(1) Hành vi quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018, cụ thể như sau:

- Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

- Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

- Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

- Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;

(2) Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;

(3) Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;

(4) Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.

(Khoản 2 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018)

3. Quy định về kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước

Điều 28 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước như sau:

(i) Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp sau đây:

- Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước;

- Quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước;

- Định hướng, tổ chức các thị trường liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(ii) Khi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước thực hiện hoạt động kinh doanh khác ngoài lĩnh vực độc quyền nhà nước thì: 

Hoạt động kinh doanh đó của doanh nghiệp không chịu sự điều chỉnh quy định tại (i) nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của quy định khác của Luật Cạnh tranh 2018.

4. Mức phạt đối với hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp

Mức phạt đối với hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 75/2019/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp có vị trí độc quyền đối với một trong các hành vi lạm dụng quy định tại mục 2.

* Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. (Khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP)

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí độc quyền;

- Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh;

- Buộc khôi phục các điều kiện phát triển kỹ thuật, công nghệ mà doanh nghiệp đã cản trở;

- Buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng;

- Buộc khôi phục lại các điều khoản hợp đồng, hợp đồng đã thay đổi hoặc hủy bỏ mà không có lý do chính đáng.

(Khoản 2, 3 Điều 9 Nghị định 75/2019/NĐ-CP)

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,202

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]