Hệ thống chính trị Việt Nam gồm những cơ quan, tổ chức nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
20/03/2023 11:38 AM

Hệ thống chính trị Việt Nam có các cơ quan, tổ chức nào? Người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức trong Hệ thống chính trị hiện nay là ai? - Bảo An (Quảng Ninh)

Hệ thống chính trị Việt Nam gồm những gì? (Hình từ Internet)

Hệ thống chính trị Việt Nam gồm những cơ quan, tổ chức nào?

Hiện nay, hệ thống chính trị Việt Nam gồm có:

- Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Quy định về các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam

1. Đảng Cộng sản Việt Nam

Theo Điều 4 Hiến pháp 2013, quy định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là:

- Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc,

- Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, 

Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. (Điều 9 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam)

Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ)

- Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước. (Điều 10 Điều lệ Đảng)

Tổ chức cơ sở đảng được lập tại đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh tế hoặc công tác, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. 

Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam theo quy định tại Chương VI Điều lệ Đảng. Việc lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Tổng bí thư của Đảng hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng.

2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tại khoản 1 Điều 2 Hiến pháp 2013 định nghĩa Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:

2.1. Quốc hội

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Điều 69 Hiến pháp 2013)

Chủ tịch Quốc hội hiện nay là ông Vương Đình Huệ.

2.2. Chủ tịch nước

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. (Điều 86 Hiến pháp 2013)

Chủ tịch nước đương nhiệm là ông Võ Văn Thưởng.

2.3. Chính phủ

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. (Điều 94 Hiến pháp 2013)

Hiện nay, ông Phạm Minh Chính đang nắm giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ.

2.4. Tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. (Điều 102 Hiến pháp 2013)

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hiện đang là ông Nguyễn Hòa Bình.

2.5. Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. (Điều 107 Hiến pháp 2013)

Hiện tại, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là ông Lê Minh Trí.

2.6. Chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Điều 111 Hiến pháp 2013)

Cấp chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định, gồm có:

- Hội đồng nhân dân.

- Ủy ban nhân dân.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

Khoản 1 Điều 9 Hiến pháp 2013 quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như sau:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Và các tổ chức chính trị - xã hội được quy định như sau:

Các tổ chức sau là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm:

3.1. Công đoàn Việt Nam

- Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

- Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.

- Tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.

- Tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Điều 10 Hiến pháp 2013)

3.2. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh:

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.

- Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục đích, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (Điều lệ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh)

3.3. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.

- Phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới. (Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

3.4. Hội Cựu chiến binh Việt Nam

- Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một đoàn thể chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội.

- Tập hợp, đoàn kết, tổ chức, động viên các thế hệ Cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Nhân dân.

- Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên và Cựu chiến binh, chăm lo giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu, tình đồng chí, đồng đội (Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam)

3.5. Hội Nông dân Việt Nam

- Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Tập hợp đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công, nông, trí, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. (Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam)

 Lê Vũ Trang Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 259,002

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn