Tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/03/2023 10:05 AM

Tôi có mong muốn công tác trong lĩnh vực pháp chế tại các cơ quan nhà nước thì tiêu chuẩn là gì? - Phú Vinh (Đà Nẵng)

Tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế nhà nước

Tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế nhà nước (Hình từ Internet)

Người làm công tác pháp chế

Dựa trên quy định tại Điều 11 Nghị định 55/2011/NĐ-CP, người làm công tác pháp chế bao gồm:

- Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Cán bộ pháp chế được điều động, tuyển dụng vào tổ chức pháp chế ở các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân.

- Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

- Nhân viên pháp chế được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động vào tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.

Vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế

Tại Điều 2 Nghị định 55/2011/NĐ-CP, theo đó chức năng của tổ chức pháp chế được quy định như sau:

- Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng:

+ Tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao.

+ Tổ chức thực hiện công tác pháp chế quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP.

- Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng:

Tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế

Tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế được quy định tại Điều 12 khoản 1 Nghị định 55/2011/NĐ-CP, theo đó tiêu chuẩn đối với từng đối tượng như sau:

- Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải là:

+ Công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương.

+ Có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức:

+ Có chức danh nghề nghiệp.

+ Có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Người đứng đầu tổ chức pháp chế phải:

+ Có trình độ cử nhân luật trở lên.

+ Có ít nhất năm năm trực tiếp làm công tác pháp luật.

- Cán bộ pháp chế trong quân đội nhân dân và công an nhân dân:

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tiêu chuẩn của công chức, viên chức pháp chế quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 55/2011/NĐ-CP, hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn.

Chế độ của người làm công tác pháp chế

Cũng được quy định tại Điều 12 Nghị định 55/2011/NĐ-CP khoản 2 và khoản 3 thể hiện chế độ của người làm công tác pháp chế như sau:

- Công chức, cán bộ và viên chức pháp chế quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Nghị định 55/2011/NĐ-CP được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.

- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế.

- Doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Nghị định 55/2011/NĐ-CP để lựa chọn, bố trí, sử dụng và quyết định chế độ đối với nhân viên pháp chế.

Lê Vũ Trang Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,207

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn