Các chức danh phải tuyên thệ khi nhậm chức

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/03/2023 17:50 PM

Cho tôi hỏi theo quy định những chức danh nào phải tuyên thệ trước Quốc hội khi nhậm chức? – Bình An (Quảng Trị)

Các chức danh phải tuyên thệ khi nhậm chức

Các chức danh phải tuyên thệ khi nhậm chức (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các chức danh phải tuyên thệ khi nhậm chức

Theo khoản 1 Điều 29 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13 của Quốc hội quy định các chức danh phải tuyên thệ  trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp khi nhậm chức gồm:

- Chủ tịch Quốc hội;

- Chủ tịch nước;

- Thủ tướng Chính phủ;

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 102/2015/QH13, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao. Người tuyên thệ phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ. Thời gian tuyên thệ không quá 03 phút.

2. Trình tự bầu của các chức danh tuyên thệ khi nhậm chức

2.1. Trình tự bầu Chủ tịch Quốc hội

Trình tự bầu Chủ tịch Quốc hội được quy định tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội theo khoản 3 Điều 30 Nghị quyết 102/2015/QH13 như sau:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá trước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội;

- Ngoài danh sách do Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá trước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh Chủ tịch Quốc hội người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử;

- Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội khoá trước có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan;

- Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá trước báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử;

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội;

- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu;

- Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín;

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết;

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội;

- Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ.

2.2. Trình tự bầu Chủ tịch nước

Trình tự bầu chức vụ Chủ tịch nước  theo Điều 31 Nghị quyết 102/2015/QH13 như sau:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

- Ngoài danh sách do Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

- Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.

- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

- Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

- Chủ tịch nước tuyên thệ.

2.3. Trình tự bầu Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao

Trình tự bầu, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao được quy định tại Điều 33 Nghị quyết 102/2015/QH13 như sau:

- Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

- Ngoài danh sách do Chủ tịch nước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

- Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, mời Chủ tịch nước tham dự để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

- Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

- Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ.

 Võ Văn Hiếu

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,615

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn