Vốn lưu động là gì? Phân loại vốn lưu động

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
09/02/2023 18:34 PM

Vốn lưu động là gì? Loại vốn này có ý nghĩa thế nào đối với doanh nghiệp và có bắt buộc phải có với doanh nghiệp không? - Ngọc Ngà (Đồng Nai)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Vốn lưu động là gì?

Luật Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể về vốn lưu động hay còn gọi là tài sản lưu động. Tuy nhiên, có thể hiểu vốn lưu động là một thước đo tài chính thể hiện nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp, là những tài sản ngắn hạn và những tài sản thường xuyên luân chuyển trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng những hoạt động kinh doanh hàng ngày như: Tiền trả lương nhân viên, tiền thanh toán cho nhà cung cấp, tiền trả chi phí mặt bằng, điện nước,...

Vốn lưu động được thể hiện ở các bộ phận bao gồm: tiền mặt, các chứng khoán thanh khoản cao, hiện vật (vật tư, hàng hóa), các khoản nợ phải thu ngắn hạn…

Vốn lưu động là gì? Phân loại vốn lưu động

Vốn lưu động là gì? Phân loại vốn lưu động (Hình từ Internet)

2. Công thức tính vốn lưu động

Hiện nay, vốn lưu động được tính bằng cách áp dụng công thức sau đây

Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ phải trả ngắn hạn

Trong đó:

- Tài sản ngắn hạn là các tài sản mà có thể dễ dàng chuyển đổi ngay thành tiền mặt trong ngắn hạn, các tài sản có tính thanh khoản cao. Ví dụ như tiền gửi, trái phiếu thời hạn dưới 1 năm, vàng bạc, ngoại tệ, hàng hóa, các khoản bán chịu,...

- Nợ phải trả ngắn hạn là các khoản nợ có thời hạn dưới 1 năm. Bao gồm các khoản nợ ngân hàng và cả các khoản mua chịu.

3. Phân loại vốn lưu động

Tùy vào hình thức của doanh nghiệp, đặc điểm kinh tế, phương pháp kinh doanh… mà vốn lưu động có thể phân chia theo nhiều tiêu chí khác nhau. Có thể tham khảo các hình thức phân chia vốn lưu động sau đây:

(1) Căn cứ vào giai đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh phân chia thành:

- Vốn lưu động trong quá trình dự trữ sản xuất gồm: vật liệu chính, vật liệu phụ, phụ tùng thay thế, bao bì đóng gói và công cụ dụng cụ nhỏ.

- Vốn lưu động trong quá trình sản xuất gồm: giá trị sản phẩm dở dang chế tạo, bán thành phẩm, chi phí chờ phân bổ.

- Vốn lưu động trong quá trình lưu thông bao gồm: giá trị thành phẩm, vốn trong thanh toán và vốn bằng tiền.

(2) Căn cứ vào nguồn hình thành vốn lưu động người ta chia thành:

- Vốn chủ sở hữu: là vốn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp Nhà nước vốn chủ sở hữu bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp: là vốn mà khi mới thành lập doanh nghiệp Nhà nước cấp để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh; Vốn tự bổ sung từ lợi nhuận của doanh nghiệp.

- Vốn lưu động coi như tự có: là vốn lưu động không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, có thể được sử dụng hợp lý vào quá trình sản xuất kinh doanh của minh như: tiền lương, tiền bảo hiểm chưa đến kỳ trả, các khoản chi phí tính trước…

- Vốn lưu động đi vay (vốn tín dụng) là một bộ phận của lưu động của doanh nghiệp được hình thành từ các nguồn vốn vay tín dụng của ngân hàng, tập thể cá nhân và các tổ chức khác.

- Vốn lưu động được hình thành từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp.

(3) Phân loại vốn lưu động dựa vào đặc điểm kinh tế:

Ngoài việc phân loại tài sản lưu động theo doanh nghiệp thì tài sản lưu động còn được chia dựa vào các đặc điểm kinh tế. Tài sản lưu động có thể phân loại theo đặc điểm kinh tế và khả năng chuyển đổi, cụ thể:

- Tiền:

+ Tiền mặt.

+Tiền gửi ngân hàng.

+Tiền trong thanh toán.

+Tiền dưới dạng séc các loại.

+Tiền trong thẻ tín dụng và các loại thẻ ATM.

- Vàng, bạc, đá quý, kim khí quý

- Những tài sản tương đương tiền: chứng khoán ngắn hạn, kỳ phiếu thương mại, hối phiếu ngân hàng…

- Chi phí trả trước

-  Các khoản phải thu

- Hàng hóa vật tư

- Các chi phí chờ phân bổ...
 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 187,012

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]