Bỏ phiếu tín nhiệm là gì? Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
08/02/2023 11:30 AM

Xin cho tôi hỏi bỏ phiếu tín nhiệm là gì? Trường hợp nào thì sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân? - Minh Đức (Cà Mau)

Bỏ phiếu tín nhiệm là gì? Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm mới nhất

Bỏ phiếu tín nhiệm là gì? Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm mới nhất

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bỏ phiếu tín nhiệm là gì?

Theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 85/2014/QH13, bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

2. Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm mới nhất 

Cụ thể tại Điều 11 Nghị quyết 85/2014/QH13, các trường hợp được tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm như sau:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp sau đây:

+ Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị;

+ Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

+ Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội;

+ Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”.

- Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong các trường hợp sau đây:

+ Có kiến nghị của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;

+ Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp;

+ Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”.

3. Nguyên tắc, mục đích bỏ phiếu tín nhiệm

* Nguyên tắc bỏ phiếu tín nhiệm

Việc bỏ phiếu tín nhiệm được dựa trên các nguyên tắc theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 85/2014/QH13, cụ thể như sau:

- Bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được bỏ phiếu tín nhiệm.

- Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được bỏ phiếu tín nhiệm.

- Bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

* Mục đích bỏ phiếu tín nhiệm

Việc lấy bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.

(Điều 3 Nghị quyết 85/2014/QH13)

4. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân

4.1. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo Điều 13 Nghị quyết 85/2014/QH13, cụ thể như sau:

- Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội.

- Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội.

- Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

- Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

- Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

- Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4.2. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu

Theo Điều 14 Nghị quyết 85/2014/QH13, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu thực hiện qua các bước sau:

- Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

- Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Hội đồng nhân dân.

- Hội đồng nhân dân thảo luận.

- Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu.

- Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

- Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,017

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn