Trình tự miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 9 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020), các chức danh trong bộ máy nhà nước được Quốc hội phê chuẩn bao gồm:
- Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.
- Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh theo đề nghị của Chủ tịch nước.
- Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Như vậy, chức danh Phó Thủ tướng sẽ được Quốc hội phê chuẩn từ đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức danh trên theo danh sách đề cử.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 39 Nghị quyết 102/2015/QH13, quốc hội miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ theo trình tự sau đây:
(1) Cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền trình Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội miễn nhiệm;
(2) Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan;
(3) Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội;
(4) Đại diện cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội;
(5) Trước khi Quốc hội thảo luận, người được đề nghị miễn nhiệm có quyền phát biểu ý kiến tại phiên họp toàn thể;
(6) Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu;
(7) Quốc hội miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín;
(8) Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết;
(9) Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết miễn nhiệm.
Căn cứ Mục 2.12 Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 quy định về tiêu chuẩn chức danh Phó Thủ tướng như sau:
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:
Có năng lực trong hoạch định chiến lược;
Quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp.
Có kiến thức sâu rộng về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước;
Hiểu biết sâu về lĩnh vực được phân công.
Có năng lực cụ thể hoá đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng thành cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Có năng lực phát hiện những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực phụ trách và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ, đồng thời kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.
Các nguyên tắc và hiệu quả hoạt động của Quốc hội bao gồm:
- Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.
- Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và hiệu quả của sự phối hợp hoạt động với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác.
(Điều 3 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020))