Mức thu phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
12/12/2022 09:33 AM

Tôi muốn biết mức thu phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ là bao nhiêu? - Đoan Trang (Cà Mau)

Mức thu phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng nộp phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ

Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ; Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, sửa đổi hợp đồng chuyển giao công nghệ; chấp thuận chuyển giao công nghệ và Giấy phép chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định tại Nghị định 76/2018/NĐ-CP.

(Điều 2 Thông tư 169/2016/TT-BTC)

2. Mức thu phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ

Cụ thể tại Điều 4 Thông tư 169/2016/TT-BTC, mức thu phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ được quy định như sau:

(1) Mức thu phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ để đăng ký:

- Đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ đăng ký lần đầu thì phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ được tính theo tỷ lệ bằng 0,1% (một phần nghìn) tổng giá trị của hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng tối đa không quá 10 (mười) triệu đồng và tối thiểu không dưới 05 (năm) triệu đồng.

- Đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ đề nghị đăng ký sửa đổi, bổ sung thì phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ được tính theo tỷ lệ bằng 0,1% (một phần nghìn) tổng giá trị của hợp đồng sửa đổi, bổ sung nhưng tối đa không quá 05 (năm) triệu đồng và tối thiểu không dưới 03 (ba) triệu đồng.

(2) Mức thu phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao qua hai bước chấp thuận (cấp phép sơ bộ) và cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:

- Mức thu phí thẩm định đối với xem xét, chấp thuận chuyển giao công nghệ (cấp phép sơ bộ) là 10 (mười) triệu đồng.

- Mức thu phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ để cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ được tính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 169/2016/TT-BTC.

3. Một số quy định về hợp đồng chuyển giao công nghệ

3.1. Giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ

- Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng.

- Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận.

- Hợp đồng chuyển giao công nghệ được giao kết và thực hiện theo quy định Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Điều 22 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

3.2. Nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ

Theo Điều 23 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ, nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gồm:

- Tên công nghệ được chuyển giao.

- Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

- Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.

- Phương thức chuyển giao công nghệ.

- Quyền và nghĩa vụ của các bên.

- Giá, phương thức thanh toán.

- Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

- Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).

- Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.

- Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.

- Phạt vi phạm hợp đồng.

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

- Cơ quan giải quyết tranh chấp.

- Nội dung khác do các bên thỏa thuận.

3.3. Thời hạn thực hiện và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ

Cụ thể tại Điều 24 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, thời hạn thực hiện và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ được quy định như sau:

- Thời hạn thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận.

- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm giao kết, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật Chuyển giao công nghệ 2017.

- Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp đăng ký theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.

Trường hợp gia hạn, sửa đổi, bổ sung thì hợp đồng gia hạn, sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung chuyển giao công nghệ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,136

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]