Quy định về ban chấp hành công đoàn cơ sở
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 2 Điều 6 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ngày 03/02/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Công đoàn Việt Nam là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của mỗi cấp công đoàn là đại hội công đoàn cấp đó. Cơ quan lãnh đạo của công đoàn mỗi cấp giữa hai kỳ đại hội là ban chấp hành.
Như vậy, ban chấp hành công đoàn cơ sở là cơ quan lãnh đạo của công đoàn cơ sở giữa hai kỳ đại hội công đoàn cơ sở.
Hiện nay, hệ thống tổ chức công đoàn các cấp theo quy định tại Điều 7 Điều lệ Công đoàn Việt Nam gồm có các cấp sau:
- Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (gọi tắt là Tổng Liên đoàn).
- Cấp tỉnh, ngành trung ương gồm: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương.
- Cấp trên trực tiếp cơ sở gồm:
+ Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện);
+ Công đoàn ngành địa phương;
+ Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp);
+ Công đoàn tổng công ty;
+ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.
- Cấp cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (gọi chung là công đoàn cơ sở).
Khoản 1, 3 Điều 11 Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định về ban chấp hành công đoàn các cấp như sau:
- Ban chấp hành công đoàn cấp nào do đại hội công đoàn cấp đó bầu ra.
+ Ban chấp hành công đoàn cấp dưới phải được công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận.
+ Trường hợp cần thiết, công đoàn cấp trên được quyền chỉ định ủy viên ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành công đoàn cấp dưới, chỉ định ban chấp hành lâm thời và các chức danh trong ban chấp hành lâm thời công đoàn cấp dưới.
Thời gian hoạt động của ban chấp hành lâm thời công đoàn không quá 12 tháng.
Khi có đề nghị của công đoàn cấp dưới, công đoàn cấp trên có thể điều chỉnh kéo dài thời gian hoạt động của ban chấp hành lâm thời cho phù hợp với kế hoạch đại hội công đoàn các cấp, nhưng tối đa không quá 30 tháng.
- Số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn cấp nào do đại hội công đoàn cấp đó quyết định và không vượt số lượng theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
Trường hợp cần tăng thêm số lượng ủy viên ban chấp hành so với số lượng đã được đại hội biểu quyết thông qua hoặc vượt quá số lượng theo quy định của Tổng Liên đoàn, phải làm văn bản xin ý kiến và được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp trước khi tiến hành, nhưng không vượt quá 10%.
Số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở được quy định tại điểm a Mục 9.1 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như sau:
- Ban chấp hành công đoàn cơ sở từ 03 đến 15 ủy viên. Nơi có từ 3.000 đoàn viên trở lên có thể tăng thêm nhưng không quá 19 ủy viên. Riêng các công đoàn cơ sở thực hiện thí điểm tăng số lượng ban chấp hành công đoàn cơ sở theo Mục II, Hướng dẫn 132/HD-TLĐ ngày 17/02/2017 thì giữ nguyên số lượng đến hết nhiệm kỳ.
- Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành viên từ 03-15 ủy viên.
- Ban chấp hành công đoàn bộ phận từ 03- 07 ủy viên.
- Nơi có dưới 10 đoàn viên bầu chức danh chủ tịch (không bầu ban chấp hành).
Bên cạnh đó. theo điểm e khoản 7 Điều 11 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, việc bầu ban thường vụ được áp dụng đối với ban chấp hành công đoàn có từ 09 ủy viên trở lên.
Căn cứ khoản 7 Điều 11 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nhiệm vụ, quyền hạn của ban chấp hành công đoàn cơ sở được quy định như sau:
- Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thuộc đối tượng, phạm vi theo phân cấp.
- Tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn cùng cấp.
- Thực hiện chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng và công đoàn cấp trên.
- Bầu Đoàn Chủ tịch (đối với Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn), bầu ban thường vụ (đối với ban chấp hành công đoàn có từ 09 ủy viên trở lên); bầu các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn cùng cấp.
- Đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn hoạt động;
Hướng dẫn, giúp đỡ, bảo vệ cán bộ công đoàn khi bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng;
Ban chấp hành công đoàn cấp trên đại diện, hỗ trợ, giúp đỡ ban chấp hành công đoàn cơ sở thương lượng tập thể, thực hiện quyền tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của cán bộ, đoàn viên công đoàn tại các hội nghị của ban chấp hành.
- Định kỳ báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động công đoàn cùng cấp với cấp ủy đảng đồng cấp (nếu có), với công đoàn cấp trên và thông báo cho công đoàn cấp dưới.
- Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn theo quy định của Nhà nước.
>> Xem thêm: Công đoàn cơ sở là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở
Văn Trọng