Công đoàn cơ sở là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
28/09/2022 09:31 AM

Công đoàn cơ sở là gì? Theo quy định của pháp luật, công đoàn có những nhiệm vụ, quyền hạn thế nào? – Kim Duyên (Đồng Nai)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công đoàn cơ sở là gì?

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Công đoàn 2012, công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

2. Công đoàn cơ sở trong hệ thống tổ chức công đoàn

Điều 7 Luật Công đoàn 2012 quy định về hệ thống tổ chức công đoàn như sau:

- Hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Công đoàn cơ sở được tổ chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Công đoàn cơ sở là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở

Công đoàn cơ sở là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở (Hình từ Internet)

3. Hình thức tổ chức công đoàn cơ sở

Theo khoản 3 Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ngày 03/02/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mục 11.3 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các hình thức tổ chức công đoàn cơ sở bao gồm:

- Công đoàn cơ sở không có tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên.

- Công đoàn cơ sở cơ sở có tổ công đoàn.

- Công đoàn cơ sở cơ sở có công đoàn bộ phận.

- Công đoàn cơ sở có công đoàn cơ sở thành viên.

Tùy theo số lượng đoàn viên và tính chất, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị lao động; số lượng đoàn viên của công đoàn cơ sở có thể tổ chức các công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn.

Việc thành lập công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; đồng thời phân cấp một số nhiệm vụ, quyền hạn và hướng dẫn nội dung cụ thể để công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn tổ chức các hoạt động.

4. Điều kiện thành lập của công đoàn cơ sở

Theo khoản 1 Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Mục 11.1 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ, điều kiện thành lập của công đoàn cơ sở được quy định như sau:

Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Công đoàn cơ sở được thành lập trong các đơn vị sử dụng lao động gồm:

- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả các công ty con trong nhóm công ty; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có trụ sở đặt tại địa phương khác).

- Hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

- Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập hạch toán độc lập.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

- Cơ quan tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

- Trường hợp đơn vị sử dụng lao động không đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở, hoặc theo nguyện vọng liên kết của người lao động, có thể thành lập công đoàn cơ sở ghép trong nhiều đơn vị sử dụng lao động.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở

Điều 15 Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở như sau:

- Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện:

+ Chủ trương, đường lối của Đảng;

+ Chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân;

+ Các chủ trương, nghị quyết của Công đoàn.

- Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật Nhà nước.

- Giám sát hoặc tham gia giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với đơn vị sử dụng lao động:

+ Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở;

+ Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động;

+ Tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, xã hội.

- Tổ chức thực hiện:

+ Nghị quyết của công đoàn các cấp, chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

+ Đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên và cán bộ công đoàn;

+ Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo đúng quy định;

+ Thực hiện công tác phát triển, quản lý đoàn viên;

+ Xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh;

+ Tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc;

+ Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững;

+ Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng loại hình công đoàn cơ sở.

>>> Xem thêm: Lợi ích của người lao động khi tham gia công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp? Người lao động có nên tham gia vào công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp không?

Việc thành lập công đoàn cơ sở có bắt buộc với doanh nghiệp hay không? Trình tự thành lập công đoàn cơ sở được tiến hành thực hiện như thế nào?

Doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn khi có bao nhiêu người lao động? Doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì có phải đóng kinh phí công đoàn không?

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 91,517

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn