Tinh gọn bộ máy: Giảm 16.149 biên chế công chức, viên chức tính đến ngày 30/10/2024 (Hình từ internet)
Theo Báo cáo tóm tắt Kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Nội vụ đã nêu rõ kết quả đạt được trong năm 2024 đối với công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức như sau:
Căn cứ quy định của Bộ Chính trị tại Kết luận 40-KL/TW năm 2022, Quy định 70-QĐ/TW năm 2022 và Quyết định 73-QĐ/TW năm 2022 thống nhất trong quản lý và đến hết năm 2026 số biên chế tối đa bằng số Bộ Chính trị đã phê duyệt, bảo đảm theo lộ trình tinh giản biên chế của giai đoạn 2022-2026.
Cụ thể: Giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị quản lý, giao biên chế theo mục tiêu, do đó tại các quyết định giao biên chế giai đoạn 5 năm (2022-2026) cho các cơ quan của hệ thống chính trị đã thực hiện: Giảm 5% biên chế công chức; Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN (đối với bộ, ngành, Bộ Nội vụ đã thẩm định số lượng người làm việc hưởng lương từ NSNN trong các ĐVSNCL chưa tự chủ tài chính tại 29 bộ, ngành giai đoạn 2022 - 2026, giảm 17.736 biên chế, tương ứng giảm 14,84% so với số biên chế giao năm 2021).
Đồng thời, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2023; Báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để trình Bộ Chính trị cho phép điều chuyển, bổ sung biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với việc phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương (tính đến ngày 30/10/2024) theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người). Các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã sử dụng đúng số biên chế được giao, không vượt quá số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức theo vị trí việc làm.
Như vậy, tính đến ngày 30/10/2024, số biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương đã giảm theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ tại Báo cáo tóm tắt Kết quả công tác năm 2024 thì nhận thức, trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.
- Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian là việc khó, đụng chạm đến lợi ích của tổ chức và cá nhân, đây là việc rất phức tạp và nhạy cảm nên một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện;
- Sự phối hợp giữa một số bộ, ngành trong việc tham mưu, ban hành quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa hiệu quả;
- Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức theo vị trí việc làm chưa thực hiện đồng bộ.