06 điều cần biết về niêm yết văn bản quy phạm pháp luật
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020) thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
- Hiến pháp.
- Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
- Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
- Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
-. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.”
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Nguyên tắc niêm yết văn bản quy phạm pháp luật theo Điều 96 Nghị định 34/2016/NĐ-CP như sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải được niêm yết.
- Nguyên tắc niêm yết văn bản quy phạm pháp luật:
+ Niêm yết toàn văn, đầy đủ, kịp thời, chính xác các văn bản phải niêm yết để người dân tiếp cận toàn bộ nội dung của văn bản;
+ Niêm yết văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015;
+ Văn bản quy phạm pháp luật được niêm yết phải là bản chính, có dấu và chữ ký.
- Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm niêm yết văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành.
Thời hạn niêm yết văn bản quy phạm pháp luật theo Điều 97 Nghị định 34/2016/NĐ-CP như sau:
Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện, Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã phải được niêm yết chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng nhân dân ký chứng thực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký ban hành. Thời gian niêm yết ít nhất là 30 ngày liên tục, kể từ ngày niêm yết.
Địa điểm niêm yết văn bản quy phạm pháp luật theo Điều 98 Nghị định 34/2016/NĐ-CP như sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được niêm yết tại trụ sở cơ quan ban hành văn bản.
- Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cũng có thể được niêm yết tại các địa điểm sau đây theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp:
+ Nơi tiếp công dân của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã;
+ Nhà văn hóa cấp huyện, cấp xã; nhà văn hóa của thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, cụm dân cư, tổ dân phố;
+ Các điểm bưu điện - văn hóa cấp xã;
+ Trung tâm giáo dục cộng đồng;
+ Các điểm tập trung dân cư khác.
Theo Điều 99 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định về giá trị của văn bản quy phạm pháp luật niêm yết như sau:
Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được niêm yết là văn bản chính thức. Trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản được niêm yết và văn bản từ nguồn khác thì sử dụng văn bản được niêm yết.
Đính chính văn bản niêm yết theo Điều 100 Nghị định 34/2016/NĐ-CP như sau:
- Văn bản sau khi đăng niêm yết, nếu phát hiện có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày thì phải được đính chính ngay khi phát hiện sai sót.
- Văn bản đính chính phải được niêm yết trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày người có thẩm quyền ký văn bản đính chính. Thời hạn niêm yết văn bản đính chính được tính lại từ đầu.
Quốc Đạt